Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trong năm 2022 đạt 1,977 tỷ USD (khoảng 46.500 tỷ đồng).
Năm qua, Việt Nam có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với 550.000 kỹ sư. Trong số này, khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm vươn ra thị trường nước ngoài. Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của một doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ số tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC ĐÃ CHẬT?
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, độ lớn của thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam ước khoảng 2 tỷ USD, trong đó 28% chi cho công nghệ thông tin từ cơ quan nhà nước, còn lại 72% là từ khối tư nhân. Với 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ đạt doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Con số này có thể thấp hơn doanh thu của một quán cafe.
Nếu lấy mức lương khởi điểm trung bình của kỹ sư công nghệ thông tin khoảng 9,5 triệu đồng/tháng thì doanh thu 46.500 tỷ đồng và độ lớn của thị trường chỉ đáp ứng cho khoảng 250.000 kỹ sư (trong tổng số 550.000 kỹ sư hiện nay).
Như vậy có thể thấy, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp và nguồn nhân lực Việt Nam đã vượt quá khung của thị trường trong nước từ nhiều năm nay. Chính bản thân các doanh nghiệp từ nhiều năm nay đã nhận thức rõ xu hướng này và bắt đầu có các hoạt động để vươn ra thị trường nước ngoài.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Vietnam đi ra thế giới, giải các bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành các tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong tiến trình này.
Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam năm 2022 đã đạt mốc 2,2 tỷ USD, cao hơn tổng doanh thu ở thị trường trong nước. Để đạt được con số này có sự tham gia phục vụ của 1.000 doanh nghiệp với 80.000 kỹ sư. Đó chỉ là một phần nhỏ năng lực của toàn bộ ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Từ thực tế này cho thấy, nếu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, khai thác năng lực của toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp ICT để phục vụ các thị trường nước ngoài thì đích đến, tiềm năng thị trường là không giới hạn.
Ông Nghĩa cho biết thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chỉ khoảng 2 tỷ USD nhưng toàn thế giới là con số khổng lồ, hơn 1.800 tỷ USD. Đây là khoảng không thị trường rất lớn để các doanh nghiệp và hàng trăm nghìn kỹ sư Việt Nam có thể khai thác phục vụ.
Các chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng thị trường quốc tế đang mở ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA, thông tin: ngoài Nhật Bản, thị trường Mỹ đang có mức tăng trưởng và phát triển tốt. Đơn cử như với FPT, nếu như những năm trước, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn chiếm tới 56% doanh thu thì đến năm 2022, doanh thu thị trường Mỹ đã ngang bằng thị trường Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp thành viên VINASA đang mong muốn mở rộng hợp tác, phát triển kinh doanh, mở doanh nghiệp, tiến vào thị trường Mỹ.
DOANH NGHIỆP VIỆT CÓ THỂ CẠNH TRANH
Ra biển lớn thì sẽ gặp sóng lớn, với trình độ công nghệ Việt Nam chưa cạnh tranh được với các BigTech, những “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Amazon, Google, Oracle, SAP, Meta…, liệu các doanh nghiệp Việt có cơ hội không?
Nêu ra câu hỏi này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin ngay lập tức tự trả lời: các doanh nghiệp và kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lớn bởi tổng doanh thu thị trường phần mềm và dịch cụ công nghệ thông tin của toàn bộ các BigTech mới chỉ chiếm khoảng 30% (hơn 530 tỷ USD), mới đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường. Khoảng 70% thị phần còn lại của thị trường toàn cầu (hơn 1.270 tỷ USD), mặc dù đang có nhiều doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới khác của các nước cùng tham gia cung cấp, khai thác như Accenture, Capgemino, Infosys, TCS, IBM… nhưng tổng thị phần tối đa cũng chỉ đạt 220 tỷ USD.
Như vậy, thị trường vẫn còn hơn 1.000 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phần mềm và hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin như ITO, BPO, coding, quản trị hệ thống và nhiều dịch vụ IT khác… Đây cũng là mảng mà một số doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khai thác nhiều năm nay.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam