Thứ Bảy, Tháng Chín 7Phải thành công nhé các anh em

Mobile Money: 70% người dùng là ở nông thôn, miền

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết, tính đến 31/1/2023, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,2 triệu khách hàng, tăng 14% so với tháng 12/2022, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ tháng 1/2022.

Trong đó số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,26 triệu khách hàng, chiếm 70%. Tổng số lượng giao dịch bằng tài khoản Mobile Money đạt lũy kế hơn 20 triệu giao dịch với giá trị hơn 1.372 tỷ đồng.

Dịch vụ Mobile Money được chấp thuận cấp phép thí điểm cho một số nhà mạng triển khai hồi tháng 11/2021. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt, cung cấp các dịch vụ mới tới người dân trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, công dân số.

Như vậy so với cùng kỳ quý 1/2022, trong 1 năm qua, Việt Nam đã có thêm hơn 2 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Ở thời điểm quý 1/2022,  sau 4 tháng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt gần 1,1 triệu khách hàng, trong đó có gần 660 nghìn khách ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đạt 60%. Số lượng giao dịch đạt 8,4 triệu giao dịch với giá trị lên tới 371 tỷ đồng.

Còn thống kê sau 8 tháng triển khai thí điểm, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt gần 2 triệu khách hàng, tăng 440% so với cuối năm 2021 và tăng  11% so với cùng kỳ tháng 6/2022.  Trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 1,3 triệu khách hàng, chiếm 68% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Việc cấp phép triển khai  thí điểm dịch vụ Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và nghị định thay thế nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đánh giá của nhà mạng, tiềm năng của Mobile Money là vô cùng lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Việc triển khai Mobile Money cũng sẽ giúp đẩy mạnh quá trình số hóa tài chính ở Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Việt Nam đang bước vào tăng tốc chuyển đổi số. Một trong những vấn đề tiên quyết để chuyển đổi số thành công chính là thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai, ứng dụng dịch vụ Mobile Money sẽ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.

Theo thống kê, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 99,6 triệu thuê bao điện thoại di động smartphone, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 7,1 triệu thuê bao. Thuê bao băng rộng di động ước đạt 85,79 triệu (86,3 thuê bao/100 dân), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 10,55 triệu thuê bao). Thuê bao điện thoại “cục gạch” Feature phone 23 triệu, giảm 3,8 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm ngoái.