Thứ Bảy, Tháng Chín 7Phải thành công nhé các anh em

Phát triển kinh tế số miền Trung: Xuất phát muộn,

Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm buốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành tháng 11/2022 có đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó có nâng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu trên là tập trung đầu tư tăng cường hệ thống hạ tầng trọng yếu đảm bảo liên kết vùng và các tiểu vùng, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, công nghệ thông tin, kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực…

“CHẠY ĐUA” CÙNG KINH TẾ SỐ

Thừa Thiên – Huế là một trong những tỉnh đầu tiên của miền Trung ban hành Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TƯ ngày 12/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát là hoàn chỉnh mô hình chính quyền số đến năm 2025, hình thành xã hội số và phát triển kinh tế số làm động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Trong đó, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số – xã hội số, là nâng cấp nền tảng Hue-S theo hướng cung cấp toàn diện các dịch vụ số của cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp và người dân; các tiện ích mua sắm thanh toán hàng hóa, dịch vụ thanh toán trực tuyến để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh…

Với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số, Thừa Thiên – Huế xây dựng các nền tảng giúp cho doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình có thể tiếp cận theo một cách đơn giản nhất và phù hợp với tiềm lực của địa phương.
Sau khoảng 1 năm thúc đẩy phát triển kinh tế số, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 83,89% (4.842 doanh nghiệp); số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định: 193 điểm, đạt 100%; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx: 600 doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số: 2.800 doanh nghiệp.

Sớm hơn Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng thuộc nhóm những tỉnh thành đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết về chuyển đổi số. Cụ thể, tháng 6/2021, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 05 về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đáng chú ý tại nghị quyết này, Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng cho nền kinh tế số trong giai đoạn đầu (đến năm 2025).

Với Nghị quyết 05, Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP của Thành phố, trong đó công nghiệp công nghệ thông tin chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, trong Báo cáo quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong ba trụ cột quan trọng định hình sự phát triển của Thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ tới là kinh tế tri thức với hai mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Mới đây nhất, trong tháng 2/2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 280/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Theo đó, Khánh Hòa sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng 4.0, đồng thời đẩy mạnh thu hút các dự án hạ tầng khu công nghiệp và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ…

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hồ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Rikkeisoft Đà Nẵng, cho rằng một trong những tiềm năng và lợi thế của miền Trung về phát triển kinh tế số là miền Trung có hạ tầng kĩ thuật đang được chú trọng đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong viễn thông và Internet, môi trường kinh doanh thuận tiện cho các doanh nghiệp, các startup công nghệ số.

Việc miền Trung có bờ biển dài để phát triển và thu hút du lịch, có thể trở thành một địa bàn thu hút nhiều công ty, quốc gia đến tham gia sự kiện và tổ chức hoạt động kinh doanh, thông qua đó sẽ thúc đẩy các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ để thu hút các đối tượng này đến với miền Trung kinh doanh. Ngoài ra, theo ông Hùng, người miền Trung chịu khó, làm việc chăm chỉ, cầu tiến cũng là thế mạnh khi được đầu tư đầy đủ.

NHÂN TÀI LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH

Hà Nội và TP.HCM có nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo gấp nhiều lần miền Trung, có các viện nghiên cứu kinh tế số, trong khi miền Trung thì chỉ gần đây một số trường đại học như Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế bắt đầu đưa các chương trình đào tạo kinh tế số vào dạy. Bởi vậy, theo ông Quốc Hùng, với sự khác biệt trên, miền Trung cần tập trung vào phát huy các thế mạnh và tiềm năng của mình trong định hướng phát triển kinh tế số như: xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt hơn nữa, tăng cường đào tạo lực lượng chất lượng để thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đẩy nhanh các hành lang pháp lý, tạo các sand-box đặc thù để thí điểm giải pháp chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế số.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2023 phát hành ngày 13-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam