Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, một vấn đề từng nhiều lần được đề cập là có nên đưa nhóm lái xe công nghệ vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không, song lần này dự thảo Luật không đề xuất.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, qua tổng hợp của đơn vị này thì hầu hết các nước đều không thực hiện được bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với trường hợp lái xe công nghệ do nhiều nguyên nhân.
Còn tại Việt Nam, vừa qua Bộ Tư pháp cũng đã có báo cáo Thủ tướng liên quan đến các trường hợp lái xe công nghệ, trong đó có nhận định “rất khó để coi lái xe công nghệ là quan hệ lao động”. Do vậy, rất khó để đưa nhóm này vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo ông Cường, trong trường hợp này, rất khó để xác định ai là người lao động, ai là người sử dụng lao động. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay chưa đưa nội dung mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhóm lái xe công nghệ, song đã cập nhật các quy định mới của Bộ luật Lao động.
“Một trong những điểm mới cũng được tiếp thu trong Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến vấn đề này là có quy định, tất cả các trường hợp mà doanh nghiệp có thỏa thuận bằng tên khác không gọi bằng hợp đồng lao động nhưng là quan hệ lao động, có các tiêu chí nhận diện hợp đồng lao động thì vẫn thuộc trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, ông Cường thông tin.
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội khẳng định, đây là tinh thần mới của Bộ luật Lao động 2019, vấn đề này cũng được tiếp thu trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. “Nội dung này rất khó, chúng tôi sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá thêm”, ông Cường nói.
Theo kết quả của một số nghiên cứu về mức độ bao phủ chính sách an sinh đối với nhóm lái xe công nghệ, phần lớn người lao động trong nhóm này đều không có hợp đồng lao động, vì vậy họ bị hạn chế trong tiếp cận các chính sách an sinh.
Nghiên cứu Một số vấn đề về việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do đối với trường hợp lái xe/giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) công bố hồi tháng 11/2022 đã đưa ra dẫn chứng củng cố quan điểm này.
Theo đó, hầu hết lái xe công nghệ chỉ có giao kết hợp đồng công việc/hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, chiếm trên 79%, và chỉ 2% có hợp đồng lao động.
Cùng với đó, tỷ lệ người lao động tham gia các loại hình bảo hiểm cũng ở mức rất khiêm tốn, dù công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Trong đó, tham gia bảo hiểm y tế có 51,11%; bảo hiểm xã hội bắt buộc 8,15%, bảo hiểm xã hội tự nguyện 5,56%, bảo hiểm tai nạn lao động 9,26%.
Kết quả nghiên cứu “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong năm 2022 cũng đưa ra những phản ánh tương tự.
Cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (mô tô, ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Gần 50% lái xe công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP HCM; phần lớn là người ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp.
Tổ chức công đoàn cũng từng đưa ra đề xuất tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và các chính sách khác để tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình an sinh xã hội cho nhóm lái xe công nghệ, theo hướng mở rộng, linh hoạt, phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tế về việc làm, thu nhập của các đối tượng trong thời gian tới.