Đây là sự kiện thường niên lần thứ ba do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam cùng Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, thế giới đã và đang trải qua những tác động cộng hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội với mức độ và quy mô chưa từng có, ảnh hưởng tiêu cực đến xu hướng phát triển của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
HAI MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC ĐỂ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN
Các quốc gia trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, đều nỗ lực tìm kiếm các mô hình phát triển phù hợp với bối cảnh mới nhằm nâng cao tính sáng tạo và năng lực chống chịu của nền kinh tế, từ đó tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững.
Trong bối cảnh đó, “Tăng trưởng xanh” và “Chuyển đổi số” ngày càng đóng vai trò quan trọng, là ưu tiên và xu thế phát triển vượt trội trong tương lai của các quốc gia. Các nước, các tổ chức quốc tế đang bước vào giai đoạn triển khai mạnh mẽ các quy định, cam kết để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
“Hai mục tiêu này là những định hướng mang tính chiến lược cho việc phục hồi, phát triển và xa hơn nữa là phòng ngừa rủi ro cho cả khu vực công và tư. Với việc dần đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh và tương tác, kết hợp sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới kỳ vọng mở ra thời kỳ tăng trưởng cao và bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông, bên cạnh những cơ hội to lớn về thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững, tiến trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng đặt ra những vấn đề phát triển đối với các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, có những thách thức về khoảng cách phát triển, nguy cơ gia tăng bảo hộ thương mại, nhiều nước phát triển đang đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế – thương mại gắn với các tiêu chí bền vững. Do đó, việc nhận định đúng đắn những cơ hội, thách thức mà các tiến trình này đặt ra để có những chính sách, biện pháp phù hợp ở mọi cấp độ là hết sức cần thiết.
Song hành với quá trình đó, tại Việt Nam, việc chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống, sang nền kinh tế hỗn hợp hiện đại, đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, kéo theo các thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi Việt Nam phải tập trung xử lý trong nhiều năm tới.
Thứ trưởng nêu rõ, để giải quyết những vấn đề này, Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều chính sách, hành động nhằm hướng tới mục tiêu trong giai đoạn 10 năm tới là “phát triển nhanh và bền vững”, đồng thời “phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu”, được cụ thể hóa bằng cách khai thác tối đa các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên. Việc phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, với trọng tâm chuyển đổi số, cần có quyết tâm và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ, với nền móng là công cuộc chuyển đổi số ở các địa phương.
Chính phủ Việt Nam cũng đã kịp thời đề ra các chủ trương lớn và coi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số như những động lực tăng trưởng hướng tới các mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2030 và xa hơn – có thể nói Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực với cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tham gia tích cực các FTA “thế hệ mới” có nội hàm về phát triển bền vững như CPTPP, EVFTA.
Thứ trưởng cho rằng các thách thức hiện nay đòi hỏi các quốc gia nói chung và các địa phương, doanh nghiệp nói riêng chuẩn bị tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động, mục tiêu tăng trưởng cho tương lai phát triển xanh, hiện đại và bền vững; song cũng là thời điểm để các quốc gia trên thế giới tăng cường hợp tác, cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
“Trong bối cảnh chung đó, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, xanh và hiện đại, Việt Nam sẽ phải thay đổi mô hình tăng trưởng cũ, dựa vào tài nguyên để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới xanh hơn. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cũng cần nguồn lực tài chính lớn, cần tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài như vốn, tài chính xanh, công nghệ, tri thức cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số theo phương châm ‘nội lực là cơ bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá'”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đặt vấn đề.
MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG XANH
Theo Thứ trưởng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là nội dung quan trọng trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội các vùng, các địa phương. Chính phủ đã lãnh đạo và chỉ đạo sát sao, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp…
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phát triển vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra Chương trình hành động phát triển hai vùng chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, vùng Tây Nguyên tập trung cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Vùng Bắc Trung Bộ và miền Trung tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, phấn đấu trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao luôn coi miền Trung và Tây Nguyên là khu vực trọng điểm, còn nhiều dư địa để phát triển, với những thế mạnh về địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc phát triển các loại năng lượng xanh, là điểm đến đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Miền Trung và Tây Nguyên có đường biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương trong khu vực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh, đóng góp hết sức thiết thực và hiệu quả vào định hướng phát triển nền kinh tế của khu vực cũng như của Việt Nam trong tương lai.
Đánh giá cao sự tham dự của đông đảo lãnh đạo và đại diện của các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại Diễn đàn, Thứ trưởng cho rằng điều này thể hiện sự quan tâm và mong muốn tăng cường hợp tác tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
“Diễn đàn là dịp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối thoại, thảo luận cùng tìm ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế, vào quá trình chuyển đổi số tại các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế bao trùm, bền vững”, Thứ trưởng phát biểu.
Ông khẳng định Việt Nam mong muốn có sự hợp tác, hỗ trợ về nguồn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về thị trường, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị phát triển xanh, chuyển đổi xanh và đề nghị các doanh nghiệp có mặt tận dụng cơ hội tăng cường kết nối với các đại diện các ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tham dự sự kiện, đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần tất cả đều thắng, với phương châm lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.