Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023 và Chương trình Rồng Vàng lần thứ 22 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức mới đây, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, đã chia sẻ nhiều thông tin về quá trình số hóa của “thành phố đáng sống”.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, so với nhu cầu của người dân và phát triển của thành phố, công cuộc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong 5-10 năm tới.
Nghị quyết Đảng bộ lần thứ 22 của Thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm đột phá là: đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin gắn với khởi nghiệp, sáng tạo, thành phố thông minh; tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hộ số và chính quyền số.
Đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2021 đóng góp 8,2% GDP của Thành phố và là một trong những trụ đỡ chính vào tăng trưởng chung của Đà Nẵng. Các kết quả đó đã giúp Thành phố dẫn đầu Chỉ số Chuyển đổi số các tỉnh năm 2020 theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, đạt Giải thưởng Thành phố thông minh châu Á – Thái Bình Dương năm 2019, Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2020-2021, Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2020-2021.
Mặc dù vậy, TS. Hồ Kỳ Minh cũng thừa nhận so với nhu cầu của người dân và phát triển của Thành phố, công cuộc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong 5-10 năm tới, đồng thời vẫn còn một số vướng mắc, điểm nghẽn cần được giải quyết tháo gỡ.
Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng Đà Nẵng để trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của Việt Nam và khu vực, tập trung vào các lĩnh vực như du lịch, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, logistics, tài chính.
Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung vào một số giải pháp như: gắn phát triển du lịch với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch văn hóa; công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số; công nghệ xanh gắn với công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; logistics gắn với cảng biển… Chính phủ cũng đã đồng ý cho Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên toàn thành phố, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa kinh tế số đạt 20% GRDP và đến 2030 đạt 30% GRDP.
Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng hiện đã có mạng viễn thông hiện đại, một trạm cập bờ với hai tuyến cáp quang biển, nhiều khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin, đạt tỷ lệ 2,3 doanh nghiệp số/1.000 dân, cũng như đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, dân cư, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.
“Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó thiết kế nhiều vườn ươm doanh nghiệp, nhiều không gian đổi mới sáng tạo để khuyến khích các nhà đầu tư đến Đà Nẵng”, ông Minh thông tin.
Về chuyển đổi xanh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho biết hiện Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng các khu công nghiệp xanh, thu hút các doanh nghiệp sản xuất bền vững, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Đà Nẵng cũng tập trung vào kinh tế tuần hoàn, làm sao đảm bảo phát triển bền vững cho nền kinh tế, làm sao để luân chuyển chất thải của dự án này sang làm nguồn nguyên liệu của dự án khác.
Hiện Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải – rác thải 1000 tấn/ngày.