Thứ Bảy, Tháng Chín 7Phải thành công nhé các anh em

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có ý kiến

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà  nước quý 1/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông với đối tượng quản lý diễn ra ngày 7/4, liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp game hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, có những sở cứ và lý luận đầy đủ, rõ ràng để kiến nghị lên Bộ Tài chính.

Theo đó, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với các doanh nghiệp game lớn để xây dựng báo cáo, trong đó lưu ý 4 nội dung. Thứ nhất là mở rộng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của 220 nước đối với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt ngành game online.

Thứ hai là những hệ lụy nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game như có thể làm tăng game lậu, khó quản lý và gây thất thu thuế không.

Thứ ba là ngành game hiện đã mở rộng, không chỉ gồm game chơi mà có cả các game học tập, giáo dục, lịch sử.

Thứ tư là bổ sung số liệu những game Việt Nam của công ty Việt Nam đang sản xuất và phát hành ra nước ngoài.

Bản chất của game online là sáng tạo nội dung để phục vụ cho nhu cầu giải trí của một bộ phận cư dân trong xã hội, và vì thế nên được đối xử bình đẳng như những phần khác của ngành công nghiệp giải trí.

Nêu thực trạng ngành game Việt Nam hiện nay, tại hội nghị, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG cho rằng, ngành game dù đã có gần 20 năm phát triển, có nhiều nội dung phục vụ nhu cầu giải trí của khoảng 50% số lượng người dùng Internet tại Việt Nam, nhưng trong thời gian qua, xã hội và cộng đồng vẫn có cái nhìn không thiện cảm, tích cực với ngành với game.

Game online chứa hàm lượng số và công nghệ rất cao, các xu hướng công nghệ mới của thế giới như thực tế ảo, blockchain, NFT… đều xuất phát hoặc được ứng dụng đầu tiên  trong game online

Gần 20 năm phát triển, nhưng thực tế quy mô ngành game Việt Nam vẫn còn quá nhỏ, chưa đúng với tiềm năng năng lực thực sự của ngành. Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tới tháng 12/2022 có 195 doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp giấy phép G1 đang hoạt động, nhưng thực tế chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp đang phát hành game ra thị trường.

Trong khi đó,  để cung cấp một sản phẩm game ra thị trường, doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí rủi ro như chi phí sản xuất game hoặc mua bản quyền game… Theo tính toán, tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 3%-5%, không phải “doanh thu lớn, lợi nhuận cao” như nhận định của Bộ tài chính, và đó cũng là lý do rất nhiều doanh nghiệp game sớm phải bỏ cuộc.

Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game, chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của toàn bộ ngành game Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều, ông Minh nói. Các doanh nghiệp game cần có một thị trường nội địa tốt để phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh game ngoài Việt Nam. Nếu thị trường nội địa không phát triển tốt, doanh nghiệp rất khó tồn tại và đầu tư lâu dài để có thể biến Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu game trên thế giới.

Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với game không phải là một chính sách được nhiều nước áp dụng. Các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…có nhiều chính sách để hỗ trợ ngành game. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng chiến lược khuyến khích ngành game Việt Nam phát triển.

Để ngành game Việt Nam trở thành một trong những ngành công nghệ số, xuất khẩu số hàng đầu, đại diện VNG và các doanh nghiệp ngành game mong muốn được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, để kiến nghị cơ quan liên quan không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ của Bộ, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, ngành game là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt của của ngành nội dung số Việt Nam. “Ngành game ở đây không phải là ngành chơi game. Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành game là hệ sinh thái sản xuất game, phát hành game và các hoạt động liên quan đến game. Ở nhiều nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực”, ông Do nói.

Tại Việt Nam, ngành game còn rất non trẻ, giá trị doanh thu vẫn còn nhỏ, chỉ khoảng 600 triệu USD năm 2022. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này thay vì thu nhiều hơn. Nếu chúng ta tăng thuế, có biện pháp siết chặt thì doanh nghiệp game rất dễ chuyển ra nước ngoài, sau đó lại cung cấp xuyên biên giới về Việt Nam.