Thông tin này được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong báo cáo tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 1/2023.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính chung trong tháng 3/2023, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng trước (tháng 2/2023 đạt 250.199 tỷ đồng) và giảm 10% so với cùng kỳ (tháng 3/2022 đạt 360.745 tỷ đồng).
Cùng với đó, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với tháng trước (tháng 2/2023 đạt 8.066 tỷ đồng) và tăng 3% so với cùng kỳ (tháng 3/2022 là 8.603 tỷ đồng). Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 24.455 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ; số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 24% so với kế hoạch năm.
Như vậy, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ; tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu phần cứng- điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD giảm 9,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được chỉ ra là do bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sản lượng xuất khẩu các tháng đầu năm đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 3, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động ước đạt 71.000 tăng 200 doanh nghiệp so với tháng 02/2023, đạt tỷ lệ 0,717 doanh nghiệp/1.000 dân.
Trong khi đó với kinh tế số, tốc độ tăng trưởng trong quý I/2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với quý IV/2022. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Quý I/2023 là 14,62%.
Trong quý 2/2023, Bộ sẽ tập trung xây dựng đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên, trình Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó xây dựng bộ tiêu chí xét duyệt nền tảng số Việt Nam tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; triển khai, tập huấn đánh giá mức độ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại địa phương và hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp đánh giá chuyển đổi số…
Tính đến ngày 17/3/2023, số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số đạt 749.665 doanh nghiệp (tăng 17.502 doanh nghiệp, tăng trưởng 2,3% so với tháng 2/2023). Số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình khoảng 107.221 doanh nghiệp (tăng trưởng 17.213 doanh nghiệp, tăng 16% so với tháng 2/2023).
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 ứng dụng có số lượng người dùng thường xuyên trên 10 triệu người dùng hàng tháng (Zalo, Zing Mp3, Baomoi, Momo, MB Bank, My Viettel, Vietcombank), 12 ứng dụng có từ 5-10 triệu người dùng hàng tháng và 67 ứng dụng có từ 1-5 triệu người dùng hàng tháng.
Mạng xã hội vẫn là lĩnh vực được người dùng điện thoại yêu thích nhất (trong đó ứng dụng chỉnh sửa video và mạng xã hội cung cấp các video ngắn ghi nhận sự gia tăng số lượng người dùng ấn tượng nhất trong tháng 02/2023), tiếp đến là các sàn thương mại điện tử và trò chơi điện tử.
Trong quý 1/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số trên cả nước. Cùng với đó nghiên cứu, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tạm ước tính giá trị đóng góp của kinh tế số trong GRDP.
Trong quý 2/2023, Bộ sẽ tập trung xây dựng đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên, trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời xây dựng bộ tiêu chí xét duyệt nền tảng số Việt Nam tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tổ chức triển khai, phổ biến, tập huấn đánh giá mức độ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại địa phương và hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp đánh giá chuyển đổi số.