Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Do đó, ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh khu vực Đông Nam Á (SEA), Zebra Technologies Châu Á Thái Bình Dương khuyến nghị các doanh nghiệp bán lẻ nên cân nhắc đầu tư vào công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử và thực hiện đơn hàng để hóa giải mối lo tồn kho, cải thiện hiệu suất và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm số liền mạch, đồng nhất.
Thương mại điện tử đang gia tăng trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm (CAGR 2023-2027) đạt 11,51% và dự kiến giá trị thị trường đạt 6,35 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử năm 2022 đạt 14 tỷ USD và có thể lên tới 32 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo của Google dự đoán Việt Nam sẽ nằm trong 3 quốc gia hàng đầu thu hút đầu tư nhất trong thương mại điện tử.
Ngành bán lẻ nói chung và thương mại điện tử nói riêng của Việt Nam đã trải qua giai đoạn hậu Covid-19 với những thay đổi lớn từ hành vi tiêu dùng đến phương thức bán hàng của doanh nghiệp. Hiện nay về cơ bản ngành bán lẻ đã phục hồi trên các kênh. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng phát triển và xu hướng chính của ngành bán lẻ hiện nay?
Sự gia tăng của thương mại điện tử, kinh doanh đa kênh đang diễn ra trên khắp thế giới và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hơn nữa xu hướng này.
Theo Nghiên cứu thường niên về mua sắm toàn cầu lần thứ 15 của Zebra, nền kinh tế theo yêu cầu đang tiếp tục phát triển, với 43% khách hàng mua sắm trên toàn cầu, trong đó có 50% ở APAC tham gia khảo sát ưa thích thanh toán bằng thiết bị di động.
Sự sẵn có của sản phẩm và khả năng hoàn trả dễ dàng cũng ảnh hưởng lớn đến khách hàng mua sắm. Hầu hết khách hàng mua sắm (76% trên toàn cầu) muốn rút ngắn thời gian mua sắm trong cửa hàng xuống mức tối thiểu.
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ nên cân nhắc đầu tư vào công nghệ có thể hỗ trợ thương mại điện tử và thực hiện đơn hàng.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ nên xem xét cung cấp cho nhân viên bán hàng các công nghệ phù hợp như thiết bị di động, thiết bị đeo và phần mềm quản lý tác vụ… để họ có thể dành thời gian gia tăng giá trị, cải thiện dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng thay vì thực hiện các nhiệm vụ thông thường như kiểm tra hàng tồn kho…
Tôi cho rằng, những năm tới, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ triển khai nhiều công nghệ hơn để nâng cao năng suất ở mọi cửa hàng và trung tâm phân phối nhằm tối ưu hóa đồng bộ hai khoản chi phí lớn nhất là hàng tồn kho và nhân công.
Zebra dự báo, người tiêu dùng ngày nay yêu cầu những trải nghiệm thương mại riêng lẻ trước đây trong khi duyệt, tìm hiểu, mua sắm và tiêu thụ sản phẩm phải được thực hiện một cách linh hoạt, thống nhất, liền mạch xuyên suốt các kênh. Sự thay đổi căn bản này tạo ra nhu cầu tư duy lại tất cả các hoạt động bán lẻ.
Với sự gia tăng nhanh chóng của ví điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, phân khúc thương mại điện tử bán buôn Việt Nam dự kiến sẽ bùng nổ. Trong năm 2023, những trải nghiệm này sẽ tiếp tục được cải thiện.
Công nghệ cho phép khách hàng dễ dàng thanh toán.
Thương mại điện tử sẽ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Khách hàng mua sắm bán lẻ sẽ trở thành “người tiêu dùng số”, trải nghiệm số. Các doanh nghiệp bán lẻ đã và đang thay đổi như thế nào để bắt kịp xu hướng phát triển này, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường?
Chúng tôi thấy các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam đang nỗ lực mở rộng quy mô, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài để tìm kiếm cơ hội. Đồng thời, tầng lớp trung lưu trẻ tuổi Việt Nam am hiểu công nghệ ngày càng tăng đang tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành bán lẻ.
Theo nghiên cứu của Zebra, hơn 8/10 doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát đặt mục tiêu tạo điều kiện để nhân viên bán hàng giúp khách hàng lựa chọn và thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến cho mùa lễ, nhằm cải thiện trải nghiệm mua sắm. Nhờ đó, 3/4 doanh nghiệp bán lẻ đã giải quyết được thách thức, nâng cao hiệu quả thực hiện đơn hàng trực tuyến và giảm chi phí.
Điển hình là Officeworks, nhà cung cấp thiết bị văn phòng và các văn phòng phẩm lớn nhất của Úc với hơn 167 cửa hàng bán lẻ toàn quốc nhờ ứng dụng máy kiểm kho TC52x của Zebra cho thanh toán không tiếp xúc, có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm nhanh và cá thể hóa, cho phép khách hàng dễ dàng thanh toán mà không cần phải xếp hàng tại quầy.
Với nền tảng công nghệ của mình, Zebra đang đồng hành và giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua khó khăn thách thức, thay đổi để nắm bắt cơ hội phát triển mới, tối ưu hóa hiệu suất. Ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong quá trình áp dụng công nghệ, chuyển đổi số?
Theo tôi, nếu các công ty đang trong giai đoạn nền tảng của quá trình chuyển đổi số, trước hết nên xem xét ứng dụng công nghệ cơ bản với chi phí hợp lý như quy trình thu thập, phân tích dữ liệu, để tạo ra sự khác biệt lớn về hiệu suất và độ chính xác so với các phương pháp thủ công.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đánh giá tính khả thi của việc ứng dụng các giải pháp tự động hóa từ góc độ tổng chi phí sở hữu chứ không chỉ dựa trên chi phí đầu tư ban đầu. Bước đi đầu tiên là trang bị cho nhân viên bán hàng những công nghệ phù hợp, giúp họ nâng cao hiệu suất, đồng thời tăng sự hài lòng của khách hàng và doanh số bán lẻ.
Tôi cho rằng chỉ khi kết hợp công nghệ và con người, các nhà bán lẻ mới có thể mang đến trải nghiệm mua sắm đồng nhất, liền mạch trên các kênh cho khách hàng.
Chẳng hạn, Hansalim – một hợp tác xã tiêu dùng với 640.000 thành viên hộ gia đình từ 23 hợp tác xã ở Hàn Quốc đã lựa chọn sử dụng cân kiêm máy quét mã vạch đa mặt phẳng MP7000 của Zebra và máy quét mã vạch cầm tay đa năng DS2208 trong các cửa hàng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và cải thiện hiệu suất vận hành, nâng cao năng suất.
Với giải pháp máy quét mã vạch của Zebra, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới hơn 60% năng lượng so với các máy quét cùng loại, tăng hiệu suất công việc của nhân viên, cho họ nhiều thời gian hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.