Trong câu chuyện với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về phát triển ngành game Việt, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhiều lần nhấn mạnh: game là ngành công nghiệp đóng góp rất tốt vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, vừa là lập trình vừa là công nghệ, làm game lại cho thu nhập cao.
Ngành game Việt Nam hiện có hai nhóm: nhóm sản xuất game và nhóm phát hành game. Nhóm phát hành chủ yếu đi mua game nước ngoài về phát hành và kinh doanh trong nước, trong đó phần lớn game xuất xứ từ Trung Quốc. Ngành game trước giờ chỉ xoay quanh vấn đề phát hành. Nhóm sản xuất game thì nằm ở nhóm làm phần mềm và những người đó không coi là công ty game mà xem là công ty sản xuất phần mềm.
Gần đây, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành game, vậy ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển của ngành công nghiệp game Việt Nam?
Việt Nam có tiềm năng rất lớn ở nhóm sản xuất game. Hiện Việt Nam có nhiều lập trình viên đạt trình độ làm game cung cấp lên hai store lớn nhất là Google và Apple. Như Apple thông báo có 180 nghìn người Việt đang làm ứng dụng, trong đó lớn nhất là game và thu được nguồn ngoại tệ. Chúng ta sản xuất game nhưng không bán trong nước mà bán ở nước ngoài, bán trên store, sau đó thu tiền nước ngoài. Lực lượng này rất đông đảo, 180 nghìn người, đứng vị trí số 1 Đông Nam Á (theo Apple).
Kỹ năng tay nghề của những người viết code của Việt Nam ở mức tốt.
Theo những số liệu mà Cục đã tổng hợp được thì 50% game mobile phổ biến hiện nay có xuất xứ từ Việt Nam, có thể chúng ta làm một phần (gọi là outsourcing), hoặc viết hoàn toàn. Người Việt thường viết những game đơn giản, những game phức tạp (G1) thì hiếm, nói chung là chiếm ưu thế rất lớn về game đơn giản. Hay 25 game tải lên các store thì có 1 game là của Việt Nam, tỷ lệ 1/25, cao hơn nhiều so với các nước khác.
Tóm lại, game là ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế phát triển và thu hút được ngoại tệ của nước ngoài.
Với lợi thế, tiềm năng lớn vậy, nhưng theo ông, thực tế ngành game và thị trường game Việt Nam đang phát triển như thế nào, đã khai thác và phát huy được hết lợi thế và tiềm năng đó chưa?
Thị trường 100 triệu dân lẽ ra là của ngành game Việt Nam thì lại thành thị trường của game nước ngoài và chưa phải là miền đất hứa cho game của mình sản xuất. Nghĩa là việc sản xuất game của Việt Nam không nhắm vào thị trường Việt mà lại phát hành ở thị trường nước ngoài.
Việt Nam là thị trường rất lớn, rất tiềm năng, tăng trưởng tốt nhưng đang là sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài, hiện nhiều nhất là Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc.
Sau một thời gian, việc phân phối ứng dụng game ngày càng thuận lợi. Ngày trước là PC/máy tính phải mua bộ cài đặt, còn giờ game mobile phân phối trên store hết. Gần đây, việc thanh toán lại thuận lợi hơn. Các công cụ trung gian thanh toán của Việt Nam đã được gắn vào các store như Momo, ZaloPay, VTCPay, ShopeePay, do vậy cũng dẫn đến các doanh nghiệp xuyên biên giới nước ngoài không muốn hợp tác với doanh nghiệp bán game trong nước mà tự kinh doanh xuyên biên giới vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp bán game xuyên biên giới, như vậy, đã vi phạm pháp luật vì hiện nay quy định không cho phép kinh doanh xuyên biên giới mà bắt buộc phải có tư cách pháp nhân trong nước, nhưng họ vẫn lách được vì các thuận lợi như đã nêu nên làm bùng nổ game lậu, game không phép ở các kho ứng dụng và làm cho các doanh nghiệp game trong nước không cạnh tranh được vì bất bình đẳng. Doanh nghiệp bán game xuyên biên giới như vậy cũng đang trốn thuế và cũng không chịu sự kiểm duyệt nội dung, nhưng vẫn hưởng lợi là bán và thanh toán rất dễ dàng ở một thị trường trăm triệu dân như Việt Nam. Mảng xuất game của Việt Nam, bởi vậy, dù có tiềm năng nhưng chưa được phát huy như mong muốn.
Bên cạnh những lợi thế và tiềm năng như kể trên, theo ông, ngành công nghiệp game Việt Nam đang gặp những nút thắt lớn gì?
Có ba vấn đề lớn.
Thứ nhất cạnh tranh với game lậu xuyên biên giới.
Thứ hai doanh nghiệp game (phát hành) không mua được game tốt từ nước ngoài vì họ bán xuyên biên giới, do vậy cũng không có game để phát hành nữa. Hai việc này đi song song. Một phát hành ra thì bị game lậu xuyên biên giới cạnh tranh khốc liệt và hai là các công ty sản xuất game lớn trên thế giới thấy rằng đi đường xuyên biên giới thuận lợi, nên không cần phải bán game cho doanh nghiệp game trong nước để ăn hoa hồng và họ hưởng hết.
Thứ ba những nhà sản xuất game còn rất manh mún, nhỏ lẻ, không tập hợp đoàn kết được với nhau, mạnh ai nấy làm, không tận dụng được lợi thế của nhau. Ví dụ: người phát hành game có lợi thế và kinh nghiệm về hệ thống chân rết phân phối rộng lớn, có khả năng phát hành ra nước ngoài, nhưng lại không có khả năng sản xuất game nên phải đi mua game. Người viết được game, giỏi lập trình, viết code nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong phân phối, bán game và thu lợi nhuận cũng như kết nối với các hệ thống phân phối.
Do không đoàn kết, kết nối với nhau nên các doanh nghiệp hoạt động rất rời rạc và rất khó thành công. Bởi vậy, ngành game của Việt Nam trong 15 năm qua ít có gương sáng. Như game của Hà Đông cũng đã lụi tàn lâu rồi. Game của Thành Trung (Axie Infinity) là game Blockchain rất mới. Chỉ có VNG là lên được “kỳ lân” nhưng chủ yếu là nhờ các mảng khác như Zalo, thanh toán…
Dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng chắc chắc không phải là số lượng ít các cá nhân, công ty làm game mở trụ sở ở nước ngoài và để lại giá trị, mà cụ thể là thuế, ở nước ngoài. Là đơn vị quản lý ngành, ông nhìn nhận thực trạng này như thế nào, nhất là ở vấn đề chính sách?
Có thực tế là họ không xác định là doanh nghiệp game mà doanh nghiệp sản xuất phần mềm, viết phần mềm nên cũng chưa có thống kê và khó xác định đầy đủ có bao nhiêu doanh nghiệp mở ở nước ngoài.
Cục vừa qua cũng đã nỗ lực tìm kiếm, kết nối, tập hợp, nhưng hiện cũng mới chỉ được chừng 10-15 doanh nghiệp, số còn lại vẫn rất rụt rè và chưa muốn kết nối bởi họ làm trong bóng tối hoặc làm ở nước ngoài, cũng không tự nhận là doanh nghiệp trong nước. Cục đang tìm mọi cách để tìm hiểu, kết nối được nhiều hơn.
Có một số liệu rất thú vị là hôm đầu tiên Cục tổ chức một hội thảo để kết nối ngày 30/6/2022 thì chỉ có một doanh nghiệp đến (doanh nghiệp tự nhận viết phần mềm về game). Đến hội thảo lần hai ngày 9/12/2022 ở VNG thì có 6 doanh nghiệp đến, và đến lần ba ngày 18/3/2023 thì có khoảng 30 doanh nghiệp đến.
Việc kết hợp là một nỗ lực nhưng điều họ cần là được hỗ trợ những gì và mình phải thay đổi, bổ sung những chính sách mới thì mới hỗ trợ được.
Nói chung, ngành game cần có được một số hỗ trợ lớn.
Thứ nhất, không bị áp thêm thuế, chưa muốn nói là giảm thuế. Mình chưa có chính sách hỗ trợ gì giờ lại định bổ sung thêm thuế thì ngày càng khó khăn hơn.
Thứ hai, Nhà nước phải chống được game lậu trên các store cung cấp xuyên biên giới.
Thứ ba, Nhà nước cần đứng ra kết nối, tập hợp được tất cả doanh nghiệp game để cùng phát triển, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đối chọi với các công ty nước ngoài, vì họ lớn, có nguồn lực, công nghệ. Còn mình như đã nói, người có công nghệ lại không có nguồn lực; người có nguồn lực thì không có công nghệ; người có nguồn lực và công nghệ thì lại không biết phân phối.
Vậy, đối với những nút thắt, vấn đề lớn nói trên của ngành game, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã, đang tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Cục đang rất quyết liệt để tháo gỡ ba khó khăn lớn trên. Cụ thể, với nhiệm vụ chống game lậu thì Cục đã thiết lập cơ chế thường xuyên với Google và Apple để rà quét, phát hiện và yêu cầu gỡ. Cục đã thành lập tổ/đội với 10 doanh nghiệp nòng cốt thay phiên nhau rà quét trên mạng/store để phát hiện game lậu và kịp thời yêu cầu Google và Apple ngăn chặn.
Tiếp đến là chặn thanh toán cho game. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị về các giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game. Quy định đã rõ là không được thanh toán cho game vi phạm pháp luật, game không phép. Hiện nay, các doanh nghiệp trung gian thanh toán, các ngân hàng vẫn đang thanh toán rất nhiều cho các thể loại game này với lý do họ không nắm được. Vì thế, Bộ kết nối, gửi danh sách những game có phép, đồng thời qua quá trình rà quét gửi những game không phép cho các đơn vị này để loại trừ.
Bên cạnh những khó khăn khách quan, nhìn chung doanh nghiệp trung gian thanh toán, các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cũng đều đồng thuận việc sắp tới sẽ quyết liệt chấn chỉnh việc này. Để chống game lậu thì có hai giải pháp lớn: (i) rà quét phát hiện và gỡ; (ii) chặn thanh toán.
Đối với vấn đề lớn thứ hai là phải có những chính sách hỗ trợ ngành game, nhất là không áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Thông tin và Truyền thông mà trực tiếp là Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc, kết nối với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Thuế để cung cấp thông tin, tình hình thực trạng và đề nghị chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt với lĩnh vực game, bởi đây là lĩnh vực đang cần sự hỗ trợ để phát triển.
Bộ cũng đang tham mưu để rút ngắn các thủ tục, như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý Internet và thông tin trên mạng, trong đó bỏ một số giấy phép của ngành game, bỏ một số thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp game phát triển.
Ngoài ra Bộ cũng đang nghiên cứu các chính sách thí điểm (sand box) đối với các thể loại game mới như game Blockchain, game NFT, đề xuất Thủ tướng, các bộ, ngành cùng xây dựng.
Vấn đề lớn thứ ba là kết nối tập hợp để cùng nhau phát triển. Năm 2022, Bộ đã thành lập Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game và ra mắt ngày 30/6/2022, từ đó đến nay đã tổ chức được 3 hội nghị kết nối, hợp tác thúc đẩy phát triển ngành game và đã thu được những kết quả rất tích cực.
Ngày 1/4/2023 vừa qua, lần đầu tiên Cục phối hợp với một số đơn vị tổ chức Ngày hội Game, trong đó có những hoạt động rất lớn là Giải thưởng game Việt Nam, lần đầu tiên trao những giải thưởng game để khích lệ các doanh nghiệp game, các nhà lập trình viết game, ưu tiên game Việt Nam sản xuất và các hạng mục dành cho game Việt.
Dự kiến trong năm 2023, Cục sẽ kết nối, tập hợp với các trường đại học có nhu cầu đào tạo lập trình viên về ngành game. Hiện đã kết nối với trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông – đều là những đơn vị có nhu cầu đào tạo. Theo đó, các doanh nghiệp game sẽ nhận sinh viên từ các trường này đến thực tập, kiến tập và tuyển dụng sinh viên giỏi, xuất sắc làm đầu ra cho sinh viên.
Thế còn định kiến xấu về game, thứ đâu đó đã đi vào tiềm thức và thành quan điểm của không ít bộ phận trong xã hội, thì thay đổi thế nào, thưa ông?
Đúng là trong một thời gian dài xã hội có những định kiến xấu về ngành game. Nào là game gây nghiện, gây bạo lực, gây những hệ lụy xã hội, cờ bạc… Nhưng thực tế nó không phải vậy. Ngành nghề nào cũng có mặt trái. Nhiều người làm game lâu năm tâm sự họ về nhà cũng không dám nói với bố mẹ là làm trong ngành game, vì nói sẽ bị nghĩ ngay là xấu, trong khi họ rất tự hào là đang làm trong ngành lấy được tiền của nước ngoài, phát triển được những lợi thế và có tiềm năng rất lớn trên Internet của Việt Nam. Những gì mới xuất hiện, những nước có kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm là ngang nhau, như Internet, anh nào cũng mới cả, cùng vạch xuất phát với những nước giàu. Trên Internet, mình đã có những doanh nghiệp “chạy” không thua gì nước ngoài nên mình cần phải phát huy.
Với những lĩnh vực công nghệ khác, người ta có hàng trăm năm nghiên cứu, có tích lũy, kiến thức thì rất khó để đuổi kịp nhưng với lĩnh vực mới như game, NFT thì mình đi đầu, đặc biệt như game Blockchain mình còn hàng đầu thế giới. Các bạn sinh viên, lập trình viên trẻ tiếp thu cái mới rất nhanh nên nắm bắt được công nghệ mới và có nhiều thành công.
Hiện nay Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game dưới sự chỉ đạo của Cục cũng đang đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi hình ảnh về game, rằng đây là ngành công nghiệp đóng góp rất tốt vào phát triển đất nước trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vừa là lập trình vừa là công nghệ, làm ngành game cho thu nhập cao… Đồng thời, khuyến khích xây dựng sản xuất phát triển các game có tính giáo dục, về văn hóa lịch sử đất nước.
Với kế hoạch truyền thông như trên, tôi nghĩ sẽ từng bước sẽ thay đổi nhận thức của cộng đồng, của người dân, xã hội về ngành game và như vậy sẽ thúc đẩy ngành này phát triển.
VnEconomy 11/04/2023 14:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam