Thứ Hai, Tháng Chín 9Phải thành công nhé các anh em

YouTube Premium “chợ đen” hạ nhiệt

Sau một thời gian ra mắt tại Việt Nam, YouTube Premium (dịch vụ cung cấp bao gồm các video nhạc và nhạc không có quảng cáo trên các nền tảng Youtube và Google Play Music) đã thu hút hơn 143.804 lượt tương tác, gần 900 bài đăng và hơn 27.000 lượt thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo YouNet Media, công ty chuyên phân tích dữ liệu mạng xã hội, ghi nhận từ ngày 10/4/2023 đến 17/4/2023 trên các nền tảng mạng xã hội có 27.680 lượt thảo luận (mentions) cùng 143.804 lượt tương tác (interactions) đến từ gần 18.478 người về chủ đề YouTube Premium.

Đại diện YouNet Media khẳng định: Đây là một làn sóng phản ứng rất tích cực, đặc biệt trong bối cảnh YouTube không có động thái quảng cáo quá rầm rộ cho sự kiện này. Đặc biệt, thu hút quan tâm nhiều nhất từ cộng đồng là các nội dung hướng dẫn “Xem YouTube không quảng cáo chỉ từ 49.000 đồng”, “Lời khuyên khi mua YouTube Premium” đến từ các diễn đàn và KOL lĩnh vực công nghệ.

Cụ thể, 70% thảo luận thể hiện mong muốn trải nghiệm YouTube Premium, 25% tiếp tục dùng miễn phí và 5% chuyển qua nền tảng mạng xã hội khác. Chỉ sau 1 tuần ra mắt chính thức, YouNet Media ghi nhận, trong 27.680 lượt thảo luận về YouTube Premium, có 16.608 thảo luận thể hiện cụ thể quan điểm yêu/ghét về dịch vụ mới này.

Ngoài ra, có tới 70% thảo luận cho thấy mong muốn chi trả để trải nghiệm YouTube Premium. Đặc biệt, nhiều người dùng cho biết mức giá siêu tiết kiệm của gói Family (29.000 đồng/tháng/người) đã giúp thúc đẩy mong muốn trải nghiệm YouTube Premium.

Ghi nhận của YouNet Media từ ngày 10/4/2023 đến 17/4/2023 trên các nền tảng mạng xã hội.

Người dùng Alex Ngô cho biết, trước đây dùng phần mềm chặn quảng cáo hoặc mua “chui” tài khoản từ nước ngoài như AdGuard, chặn mọi thể loại quảng cáo, banner, pop up cho cả website và YouTube. Tuy nhiên, từ khi YouTube Premium có mặt tại Việt Nam thì sẵn sàng… “mua luôn mà không cần phải suy tính”.

Ngay cả gói cá nhân 79.000 đồng/tháng cũng được nhiều người dùng cho là mức giá hợp lý và hưởng ứng tích cực với các nội dung chia sẻ như “Chi phí tài khoản YouTube Premium tại thị trường Việt Nam đang trong nhóm rẻ nhất thế giới”. 

Không những thế, đối với những người chưa từng sử dụng YouTube Premium trước đó cũng rất hào hứng để trải nghiệm miễn phí 1 tháng đầu tiên và khám phá YouTube Music (tính năng đi kèm khi mua YouTube Premium).

Bên cạnh đó, vẫn có 25% thảo luận trên mạng xã hội cho biết chỉ muốn dùng YouTube miễn phí. Các thảo luận này thẳng thắn chia sẻ quan điểm vì họ đã có thói quen sử dụng YouTube miễn phí hoặc họ đã có sẵn giải pháp thay thế, nên sẽ tiếp tục sử dụng mà không cần trả tiền. Mức giá 79.000 đồng/tháng đối với nhóm này là một rào cản để sử dụng.

Chỉ có 5% thảo luận phản đối YouTube Premium và cho biết sẽ chuyển qua nền tảng mạng xã hội khác. Nhóm người dùng này phản đối với việc YouTube đã không kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đặc biệt là nhóm quảng cáo thuốc “Nhà tôi ba đời”.

TheoYouTube Premium mang lại cho người dùng các trải nghiệm bao gồm Không xem quảng cáo, Chất lượng video cao, Tải video và nghe offline, Chạy nền và quyền sử dụng YouTube Music. Trong các tính năng trên, YouTube Music chính là “cơn sốt” thu hút phần đông người dùng.

Trên các diễn đàn, tình trạng rao bán tài khoản YouTube Premium với mức giá trung bình chỉ từ 22.000 – 30.000 đồng/tháng và trả theo gói 6 tháng hoặc 1 năm. Hơn nữa, để tối ưu chi phí, người bán có thể mua các gói tài khoản gia đình (dùng chung cho 5 người). Bằng cách này, chi phí cho mỗi tài khoản YouTube Premium chỉ mất 15.000 – 17.000 đồng. Thế nhưng kể từ khi dịch vụ này chính thức xuất hiện, giá YouTube Premium trên “chợ đen” sau đó đã hạ nhiệt. 

Trước đó, các tài khoản YouTube trả phí được rao bán tại Việt Nam thường phải đổi địa chỉ IP sang nước ngoài để hưởng chênh lệch. Ví dụ, dịch vụ YouTube Premium ở Ấn Độ (1,56 USD, khoảng 36.500 đồng/tháng), Thổ Nhĩ Kỳ (1,61 USD, khoảng 37.700 đồng/tháng)… 

Ngoài ra, nhiều người dùng lo ngại việc mua bán tài khoản online trên mạng kèm theo nhiều rủi ro lừa đảo khi chuyển tiền trước, trục trặc việc đổi IP bị cấm,… Vì thế, thị trường mua bán tài khoản YouTube Premium  “chợ đen” không còn nhộn nhịp như trước nữa.

GIA TĂNG CHI PHÍ QUẢNG CÁO

Theo We are Social, tháng 1/2023, Việt Nam đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ về lượng người xem YouTube với tổng cộng khoảng 63 triệu người. Trong đó, nếu các nhãn hàng nhắm đến nhóm khán giả độ tuổi từ 18+ trở lên, quảng cáo của họ có thể tiếp cận được đến 68,9% lượng người xem, tức 43,4 triệu người ở Việt Nam. 

Ông Lucas Phạm, Giám đốc điều hành Mango Digital (công ty chuyên tư vấn và thực thi truyền thông sáng tạo cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam), cho biết việc YouTube Premium ra mắt với chi phí rất rẻ dự báo sẽ gián tiếp làm giảm độ phủ của quảng cáo và gia tăng chi phí đầu tư cho quảng cáo của các nhãn hàng tại Việt Nam.

 

“Điều này đòi hỏi nhãn hàng cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo nội dung, có chiến lược xây dựng kênh dài hạn dựa trên việc nghiên cứu am hiểu của người dùng trên nền tảng để hiểu rõ hơn về xu hướng và giới hạn của khán giả. Việc này sẽ giúp nhãn hàng giảm thiểu chi phí quảng cáo trả cho YouTube.”
Ông Lucas Phạm, Giám đốc điều hành Mango Digital.

Ông Lucas Phạm giải thích thêm: Chỉ cần khoảng 40% lượng khách hàng tiềm năng mua tài khoản YouTube Premium, thì việc tiếp cận với 60% khách hàng còn lại sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều hơn vì chi phí quảng cáo tăng, đặc biệt nếu có nhiều nhãn hàng cùng muốn tiếp cận nhóm này.

Vì vậy, nhãn hàng nên sẵn sàng cho các giải pháp khác như tài trợ trực tiếp các chương trình giải trí hoặc người nổi tiếng. Ví dụ, tài trợ cho MV ca sĩ, gameshow, các chương trình truyền hình thực tế để đưa thông điệp nhãn hàng trực tiếp vào nội dung. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện một cách sáng tạo, khéo léo cùng một chiến lược đầu tư dài hơi để tránh gây phản cảm cho người xem cũng như giúp thương hiệu phát triển trong dài hạn.

Qua thực tế tư vấn, Mango Digital cũng nhận thấy nhiều nhãn hàng hiện nay quan tâm đến việc tạo kênh YouTube riêng để chủ động sản xuất nội dung phù hợp với tinh thần thương hiệu và thu hút khán giả thường xuyên quay lại. Thương hiệu sữa X là một ví dụ điển hình khi họ xây dựng một loạt series phim hoạt hình để giới thiệu sản phẩm. Kênh đã thu hút được hơn 1,3 triệu người đăng ký theo dõi, phát sóng đều đặn và lồng ghép sản phẩm vào kịch bản để truyền tải thông điệp quảng cáo một cách tự nhiên.

“Điều này đòi hỏi nhãn hàng cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo nội dung, có chiến lược xây dựng kênh dài hạn dựa trên việc nghiên cứu am hiểu của người dùng trên nền tảng để hiểu rõ hơn về xu hướng và giới hạn của khán giả. Việc này sẽ giúp nhãn hàng giảm thiểu chi phí quảng cáo trả cho YouTube”, đại diện Mango Digital chia sẻ.

Người dùng Quân Nguyễn cho rằng, dù không cạnh tranh trực tiếp với Spotify nhưng YouTube Music đang có nhiều lợi thế (những lợi thế độc quyền của các nền tảng âm nhạc hàng đầu) khá hấp dẫn nên giúp gia tăng động lực trải nghiệm YouTube Premium và tạo ra sức ép cạnh tranh gián tiếp với Spotify.