Thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.
CÁC DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CUỘC GỌI DEEPFAKE LỪA ĐẢO
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 5/5/2023, các chuyên gia khẳng định, phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính.
Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác.
Đối với các cuộc gọi deepfake như hiện nay thì bằng mắt thường vẫn có thể có một số các dấu hiệu để nhận biết như thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây. Khuôn mặt của các đối tượng lừa đảo thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau…
Ngoài ra, cũng có thể thấy màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên.
Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Theo đó, âm thanh các cuộc gọi này sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.
Có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi. Và thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng với lý do là mất sóng, sóng yếu…
Với những biểu hiện và yếu tố kỳ lạ như trên, các chuyên gia cho rằng, đó là báo hiệu đỏ của deepfake. Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh.
NGĂN CHẶN LỪA ĐẢO DEEPFAKE PHẢI XỬ LÝ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG KHÔNG CHÍNH CHỦ
Trước thực trạng trên, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, ngay từ khi Bộ nhận được thông tin phản ánh từ người dân, Cục đã phân tích và cảnh báo về hình thức lừa đảo trực tuyến mới này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Hưng nhấn mạnh, một trong những hình thức lừa đảo này là sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Để ngăn chặn vấn đề này, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia, tổ chức và các công ty công nghệ lớn trên thế giới đang chung tay để tìm giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện và xử lý các vụ lừa đảo Deepfake.
Bản chất của lừa đảo trực tuyến sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới, các đối tượng sẽ liên tục áp dụng các công nghệ tiên tiến hơn. Do đó, ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục.
Theo ông Hưng, gốc rễ của những vụ lừa đảo trực tuyến phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính. Để lấy được tiền của nạn nhân, đối tượng lừa đảo cần đến các tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào.
Vấn nạn lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra trong thời gian qua là do vẫn tồn tại những tài khoản ngân hàng không chính chủ. Những đối tượng lừa đảo sẵn sàng bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ trên mạng.
Chính vì vậy việc xử lý vấn nạn này cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ ngăn chặn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, đồng bộ thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Đặc biệt, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được Chính phủ ban hành là căn cứ pháp lý mạnh để góp phần giải quyết bài toán căn cơ, xử lý triệt để các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Với việc triển khai các giải pháp mạnh mẽ, ngăn chặn tình trạng Sim rác, tài khoản giả mạo…, ông Hưng cho rằng, số lượng các vụ lừa đảo trực tuyến sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, công nghệ thay đổi hàng ngày. Công nghệ và không gian mạng chỉ là công cụ được những kẻ lừa đảo trực tuyến sử dụng. Việc chống lừa đảo trực tuyến không đơn giản là vấn đề kỹ thuật, công nghệ mà cần có sự phối hợp đồng bộ chung giữa cả mặt công nghệ, pháp lý và cơ chế.
Đặc biệt, cần tuyên tuyền rộng rãi để người dân nhận biết dấu hiệu, cảnh giác với các hình thức lừa đảo trực tuyến như trên. Bởi bản chất của lừa đảo trực tuyến sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới, các đối tượng sẽ liên tục áp dụng các công nghệ tiên tiến hơn. Do đó, ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục.
Trong tháng 5 và 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra diện rộng về quản lý thông tin thuê bao di động với sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương, xử lý vi phạm.
Liên quan đến việc xử lý ngăn chặn vấn nạn cuộc gọi rác vẫn xảy ra trong thời gian quan, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Cục sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt.
Theo đó sẽ chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục triển khai thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, Sim rác. Đồng thời tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm BTS giả mạo.
Bộ sẽ đôn đốc, kiểm tra, đánh giá xây dựng triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn các cuộc gọi rác; áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, AI, dữ liệu lớn. Cùng với đó cung cấp cho người sử dụng công cụ, cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn các cuộc gọi rác, lừa đảo từ những thiết bị đầu cuối. Ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm cuộc gọi điện quảng cáo vào danh sách không quảng cáo theo quy định của Nghị định 91…
Ông Phúc cho biết thêm, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao, xác minh trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác, bước tiếp theo sẽ xem xét xử lý các thuê bao có nhiều sim (từ 10 sim trở lên).
Việc xử lý vấn đề này cần liên tục, kiên quyết để tăng tính răn đe hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức của người dùng về việc chủ động sử dụng các công cụ chặn cuộc gọi rác và không cung cấp thông tin cá nhân của mình một cách dễ dãi trên môi trường mạng.
Về việc với việc xử lý các cuộc gọi lừa đảo trên OTT, trong khi các dịch vụ viễn thông cơ bản đang được quản lý chặt chẽ bởi các quy định pháp luật những chưa có quy định cụ thể về việc xử lý các dịch vụ viễn thông trên internet (OTT). Do đó, trong Luật Viễn thông (sửa đổi), đã đề xuất đưa quy định về dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet là dịch viễn thông theo quan điểm các dịch vụ có tính chất giống nhau thì phải quản lý giống nhau.