Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 5/5, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết để triển khai kế hoạch kiểm tra toàn bộ hoạt động của Tiktok Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lập kế hoạch, đề cương kiểm tra và gửi công văn cho các cơ quan bộ ngành có liên quan để cử người tham gia.
Hiện nay, danh sách thành viên của đoàn kiểm tra đã tập hợp gần đầy đủ. Theo kế hoạch dự kiến, đoàn kiểm tra trực tiếp toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam sẽ được triển khai từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023, ông Do thông tin.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử: Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra trực tiếp toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam sẽ được triển khai từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023.
Từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có lượng người sử dụng TikTok nhiều nhất thế giới. Số liệu của DataReportal ước tính đến tháng 2/2023, có khoảng 49,9 triệu người sử dụng TikTok tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng. Trước đây, TikTok chủ yếu thuần túy giải trí nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu nhiều nội dung chống phá đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật, các nội dung độc hại, ảnh hưởng đến trẻ em…
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động Tiktok tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra 6 vi phạm lớn của đơn vị này.
Thứ nhất, Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
Thứ hai, sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Thứ ba, không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái….
Thứ tư, không quản lý hoạt động của các idol TikTok, nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.
Thứ năm, không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là các nội dung trích từ phim.
Thứ sáu, Tiktok cũng không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, những vi phạm này của Tiktok đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới người dùng. Những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Không những thế điều này còn khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.
Chính sự quản lý lỏng lẻo của nền tảng này đã khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
Do đó, Bộ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tổng Cục Thuế… kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Sau đoàn kiểm tra, Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, cũng như sự chấp hành pháp luật của mạng xã hội này. Từ đó có những tham mưu với lãnh đạo cấp trên hướng xử lý căn cơ, triệt để hơn chứ không chỉ dừng ở đấu tranh yêu cầu gỡ bỏ các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật…