Chủ Nhật, Tháng chín 15Phải thành công nhé các anh em

Việt Nam là điểm đến hàng đầu về đầu tư

Ngày 18/5, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) họp báo công bố Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2023 (Vietnam Blockchain Summit 2023) sẽ diễn ra ngày 12-13/10/2023 tại TP.HCM.

ĐIỂM ĐẾN CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ BLOCKCHAIN

Đây là sự kiện thường niên, quy mô quốc gia và quốc tế, nằm trong chuỗi các sự kiện lớn, uy tín của cộng đồng Blockchain thế giới, nhằm định vị xu hướng phát triển các nền tảng, công nghệ Blockchain; khuyến nghị chính sách tiếp cận, ứng dụng công nghệ Blockchain và phát triển nguồn nhân lực Blockchain cho Việt Nam.

 

“Hoạt động kết nối, hợp tác được kỳ vọng là điểm nhấn của sự kiện, định vị Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain”.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch VBA.

Theo Ban tổ chức, Vietnam Blockchain Summit 2023 sẽ thu hút trên 2.500 lượt đại biểu trực tiếp, là lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, các diễn giả, chuyên gia, lãnh đạo các công ty lớn về blockchain, các doanh nghiệp ứng dụng, nhà quản lý, lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. 

Với chủ đề “Stay on the Path”, Vietnam Blockchain Summit 2023 tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc tiếp tục định hướng, phát triển, cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam, đồng thời tạo dấu ấn về sự phát triển Blockchain Việt Nam, tạo một điểm đến của các nhà đầu tư, các nhà phát triển blockchain khu vực và thế giới.

Tại buổi họp báo, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch VBA, cho biết: Một trong những hoạt động trọng tâm của năm nay là những trao đổi chuyên sâu về áp dụng công nghệ trong việc thúc đẩy, quản lý nhà nước ở lĩnh vực Blockchain cũng như hoạt động kết nối đầu tư giữa các startup và các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, hướng đến những sáng tạo, ứng dụng công nghệ Blockchain… thúc đẩy kinh tế số. Hàng chục các quỹ các đầu tư, các nhà đầu tư startup trong nước và quốc tế uy tín sẽ được mời tham gia.

“Bên cạnh đó, các chương trình kết nối hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế để thúc đẩy phát triển, phổ biến các sản phẩm, dịch vụ hữu ích. Hoạt động kết nối, hợp tác được kỳ vọng là điểm nhấn của sự kiện, định vị Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain”, ông Trung cho biết thêm.

Vietnam Blockchain Summit 2023 sẽ bao gồm 4 hoạt động chính: (1), Tạo ra hệ sinh thái gắn kết và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong môi trường cộng đồng lớn mạnh hiện nay của Việt Nam; (2), Khởi tạo các chương trình tư vấn, hỗ trợ hoạch định chiến lược hoạt động và kết nối nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ; (3), Hoàn thiện cơ chế và khung pháp lý cho ngành Blockchain Việt Nam; (4), Mở rộng kết nối không chỉ ở cộng đồng tại Việt Nam mà còn hướng đến các tổ chức, cộng đồng đa quốc gia.

Ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA, kỳ vọng Vietnam Blockchain Summit 2023 sẽ thúc đẩy lĩnh vực Regtech – một phân ngành công nghệ theo dõi sự phát triển trong ngành tài chính công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp tuân theo các quy định trong lĩnh vực này. Hiện nay, các giải pháp Regtech tận dụng chuỗi khối để cải thiện quy trình KYC (“Know Your Customer” – xác minh danh tính khách hàng) và AML (“Anti-Money Laundering” – ngăn chặn hoạt động rửa tiền).

Theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường công nghệ blockchain toàn cầu đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, khoảng 7,18 tỷ USD năm 2022 và dự kiến 163,83 tỷ USD vào năm 2029. Ngoài ra, hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam có vốn hóa trên 100 triệu USD và đã xuất hiện những start-up “kỳ lân” trong lĩnh vực này. Trong Top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ Blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập.

BLOCKCHAIN THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số tại Việt Nam đang đi vào thực chất. Rất nhiều công nghệ công nghệ mới như Big Data, Cloud, AI, VR/XR… được các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, đưa vào ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, Blockchain với tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn cũng không phải là ngoại lệ. Tuy còn nhiều thách thức nhưng Blockchain đang dần được đưa vào vận hành, ứng dụng thực tế vào nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục… giải quyết được nhiều bài toán nan giải với những đặc tính vượt trội như minh bạch, bảo mật, tốc độ và chi phí. 

Theo ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, các công nghệ mới như Blockchain cần được chú trọng phát triển. Thị trường công nghệ blockchain cần phải được phát triển đúng hướng, phát huy các thế mạnh tích cực, thúc đẩy hợp tác để nhanh chóng phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung.

“Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam là môi trường hợp tác, xúc tiến quan hệ hợp tác ở nhiều cấp độ, mở ra cơ hội kết nối tốt giữa các doanh nghiệp với nhà nước hay các doanh nghiệp trong nước với các tổ chức quốc tế. Đồng thời, Hội nghị còn là môi trường trao đổi và phổ cập kiến thức, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Blockchain cả về số lượng và chất lượng sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Quang khẳng định.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA, cho rằng năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn không chỉ về thị trường mà còn là những đổi mới công nghệ, thắt chặt chính sách pháp lý để Blockchain sớm trở thành công nghệ nền tảng được ứng dụng theo hướng thiết thực, phục vụ đời sống xã hội. Trong định hướng hoạt động của mình, VBA sẽ sớm thúc đẩy công tác tuân thủ pháp lý của ngành và khởi tạo các cơ hội, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Được biết, năm 2022, ngay trong năm đầu tiên được tổ chức, Vietnam Blockchain Summit đã thu hút hơn 2.000 lượt đại biểu, với hơn 50 diễn giả, trong đó có gần 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 nền kinh tế là những cường quốc về công nghệ Blockchain trong khu vực và trên thế giới.