UBND huyện Đạ Huoai cho biết, trên địa bàn huyện có 6 dự án đầu tư phải tiến hành rà soát, kiểm tra lại tiến độ, đánh giá năng lực của chủ đầu tư gồm (1) dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của CTCP Trúc Phương; (2) Sân Golf Hồng Lam – Mađagui; (3) dự án trường đua ngựa Thiên Mã – Mađagui – Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn; (4) dự án trung tâm nuôi – huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai; (5) dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen của Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch HSG) và (6) dự án khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng cao cấp Ruby – Mađagui của CTCP Bất động sản Ruby.
Trung tâm huyện Đạ Huoai – Lâm Đồng/ Ảnh: nguồn Internet |
Theo UBND huyện, qua rà soát, hiện có 5/6 dự án đã được các Sở, ngành của tỉnh chủ trì kiểm tra, đánh giá năng lực và cho gia hạn để tiếp tục thực hiện dự án gồm khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí được UBND tỉnh cho gia hạn đến hết tháng 11/2022; sân Golf Hồng Lam – Mađagui được gia hạn đến tháng 10/2022; trường đua ngựa Thiên Mã – Mađagui – câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn gia hạn đến tháng 4/2023; trung tâm nuôi – huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai gia hạn đến tháng 10/2022 và khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen gia hạn đến tháng 5/2025.
Trong đó, 2 dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của Công ty cổ phần Trúc Phương (Công ty Trúc Phương) và Khu du lịch Văn hóa và nghỉ dưỡng cao cấp Ruby – Mađagui của Công ty Cổ phần Bất động sản Ruby (dự án Công ty Ruby) có nhiều vi phạm.
Đến nay, UBND huyện Đạ Huoai kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án của Công ty Trúc Phương; đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty Ruby do chậm tiến độ và chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng quan tâm là nhà đầu tư là Công ty Trúc Phương đã thế chấp quyền sử dụng đất của dự án để bảo lãnh cho doanh nghiệp khác vay tiền tại ngân hàng, dẫn đến không có khả năng chi trả, xảy ra tranh chấp khiếu kiện. Tòa án nhân dân quận 3, TP HCM đã ban hành bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng, tài sản bị kê biên phát mãi.
Ngày 26/5, UBND tỉnh Lâm Đồng có ý kiến giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài chính; cục thuế tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, xem xét kiến nghị của UBND huyện Đạ Huoai; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trong tháng 6/2023.
Theo tìm hiểu, Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Trúc Phương – Mađagui được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000075 ngày 25/07/2007; UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất tại Quyết định số 2272/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 với diện tích cho thuê là 2.3 ha; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 040461 ngày 1/11/2007; tiến độ thực hiện dự án từ năm 2007 – 2011.
Trong quá trình triển khai dự án, do một số lý do khách quan nên dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho gia hạn thời gian sử dụng đất 3 lần vào năm 2015, 2017 và 2021. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sau khi được gia hạn ba lần, đến nay nhà đầu tư chỉ thực hiện thêm được một hạng mục xây bờ kè dọc bờ suối vào năm 2017, còn lại các hạng mục chính của dự án nhà đầu tư chưa triển khai theo tiến độ quy định. Tính đến thời điểm hiện nay, dự án đã chậm tiến độ trên 11 năm so với Giấy Chứng nhận đầu tư và hết thời gian gia hạn lần cuối.
Tháng 1/2018, CTCP Trúc Phương đã thế chấp quyền sử dụng đất của dự án để bảo lãnh cho CTCP Tập đoàn Đô Thành vay tiền tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với số tiền gốc là 22 tỷ đồng. Do CTCP Tập đoàn Đô Thành vi phạm thời gian trả nợ gốc và lãi vay theo quy định trong hợp đồng tín dụng nên BIDV đã khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp; Tòa án nhân dân quận 3, TP HCM đã ban hành bản án số 815/2020/KDTMST ngày 18/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Huy Tùng (t/h)
Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn Copy