Thành lập từ năm 1991, Sacombank là một trong những Ngân hàng TMCP đầu tiên có mặt tại TP.HCM và hiện đã phát triển mạng lưới 566 điểm giao dịch tại 52 tỉnh thành ở Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia. Trong hơn 31 năm hoạt động, Sacombank luôn là ngân hàng tiên phong chuyển đổi số.
Đến nay, quy mô khách hàng của Sacombank đã đạt hơn 15 triệu người dùng, trong đó có khoảng 50% là “khách hàng số” sử dụng các dịch vụ ngân hàng số như Internet Banking, Mobile Banking, Sacombank Pay. Tỷ lệ giao dịch thanh toán qua kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch – đây là con số đáng mơ ước của giới tài chính, ngân hàng.
Hạ tầng số vững chắc, nền tảng quan trọng đầu tiên cho chuyển đổi số
Những thành quả trên đến từ “hạt giống” số hóa mà Sacombank gieo trồng cách đây 20 năm. Sacombank đã sớm định hình chiến lược chuyển đổi số với 4 yếu tố cốt lõi: Hạ tầng Công nghệ; Giải pháp Số hóa toàn diện; Sản phẩm – Dịch vụ số; Con người và Tư duy số.
Trong đó, xác định Hạ tầng Công nghệ là nền tảng quan trọng đầu tiên cho công cuộc chuyển đổi số, Sacombank đã mạnh tay đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số. Năm 2008, Sacombank là ngân hàng TMCP đầu tiên xây dựng và đưa vào sử dụng data center (DC) chuyên biệt tại Bình Dương với quy mô đầu tư lên đến 3 triệu USD.
“Với việc lấy khách hàng làm trọng tâm, chúng tôi nhận thấy việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin là một trong những trụ cột quan trọng nhất để đổi mới và sáng tạo hơn trong các sản phẩm dịch vụ nhằm mang đến những điểm “chạm” thật sự khác biệt trong hành trình chinh phục hàng chục triệu khách hàng của mình”, ông Lê Đức Huy – Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Sacombank cho biết.
Ông Lê Đức Huy – Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Sacombank.
Với mong muốn xây dựng một trải nghiệm liền mạch giữa các ứng dụng đa kênh hiện có của Sacombank và của bên thứ ba, mang lại cho khách hàng sự tiện lợi trong thao tác sử dụng, Sacombank đã quyết định triển khai Nền tảng Ngân hàng Hợp kênh (Omnichannel). Đây là bước tiến quan trọng nhằm cung cấp trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, tăng cường năng lực kỹ thuật số và thúc đẩy mục tiêu số hóa toàn diện của Sacombank.
Việc triển khai Nền tảng Ngân hàng số Hợp kênh được Sacombank xem như một yếu tố cần thiết nhằm cải tiến hệ sản phẩm – dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đồng thời giúp Sacombank bắt nhịp và hòa chung với xu thế công nghệ trên toàn cầu.
Ban lãnh đạo và Trung tâm Chuyển đổi số của Sacombank đều nhận thức rõ hạ tầng hiện tại cần cải thiện hơn nữa về mặt công nghệ cũng như quy mô, đáp ứng lượng “khách hàng số” ngày một tăng cao. Ngân hàng cần một hạ tầng mới hiện đại, an toàn, cho phép triển khai nhanh chóng bất kỳ tính năng nào để phục vụ nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, việc nâng cấp, mở rộng hay xây mới DC rất phức tạp, tốn kém chi phí và thời gian trong khi Sacombank đang cần bắt tay ngay vào triển khai dự án mới.
Lựa chọn Data Center hàng đầu Việt Nam cho dự án Hạ tầng công nghệ trọng điểm
Với tính chất đặc thù của lĩnh vực ngân hàng, hạ tầng công nghệ phải có tính ổn định, bảo mật cao, vận hành chuyên nghiệp. Sacombank ưu tiên lựa chọn đơn vị cung cấp có khả năng vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế với những yêu cầu khắt khe nhất, đáp ứng đặc thù của ngành Tài chính – Ngân hàng.
Data Center là cái tên mà Sacombank quan tâm. CMC Telecom – Công ty thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC là đơn vị hạ tầng viễn thông đang cung cấp đường truyền WAN cho hạ tầng kết nối của Sacombank trong nhiều năm qua. Là một nhà mạng trẻ trên thị trường, CMC Telecom xác định tập trung cung cấp dịch vụ cho những khách hàng cao cấp, có sự đòi hỏi khắt khe và chuyên biệt. Sự tin tưởng của Sacombank đối với CMC Telecom đã nâng tầm hợp tác giữa hai tổ chức lên tầm chiến lược.
Tháng 6 năm 2022, CMC Telecom đã chính thức ra mắt Data Center thế hệ mới tại quận 7, Tp.HCM với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Với quy mô 1.200 tủ rack, DC Tân Thuận của CMC Telecom được Uptime Institute đánh giá là Trung tâm dữ liệu hiện đại nhất Việt Nam. DC Tân Thuận được CMC Telecom xây dựng theo triết lý “Bespoke DC” – dành riêng cho khối Tài chính Ngân hàng với những tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Đây là DC duy nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại tuân theo tiêu chuẩn bảo mật TVRA (Threat, Vulnerability And Risk Assessment).
Tiêu chuẩn TVRA là tiêu chuẩn khắt khe do Ngân hàng Nhà nước Singapore quy định cho các DC tại Singapore và được các DC cao cấp trên thế giới tham khảo và áp dụng. Đồng thời DC Tân Thuận của CMC Telecom cũng là DC đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đang sở hữu chứng chỉ Uptime Tier III cho cả Thiết kế và Xây dựng. CMC Telecom cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ PCI DSS, (Payment Card Industry Data Security Standard), chứng chỉ bảo mật thanh toán dành riêng cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Sacombank lựa chọn DC Tân Thuận của CMC Telecom để triển khai hạ tầng trung tâm dữ liệu mới.
“Được thiết kế trở thành Digital HUB của khu vực Châu Á, có sẵn các kết nối trực tiếp đến các Cloud quốc tế như AWS, Google, Microsoft, Oracle, DC Tân Thuận sẽ giúp Sacombank dễ dàng hơn trong việc hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số khi đặt trung tâm dữ liệu tại đây. Bên cạnh đó, DC Tân Thuận có thể đảm bảo khả năng mở rộng, không gian quy hoạch độc lập chất lượng cao cho Sacombank ít nhất trong vòng 3 năm tới.” – Ông Huy chia sẻ thêm về lý do chọn DC Tân Thuận để mở rộng hạ tầng công nghệ.
Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Sacombank cả về tính ổn định, toàn vẹn dữ liệu cũng như bảo mật, 100% đội ngũ Chuyên gia Data Center tham gia dự án này đều phải có chứng chỉ thiết kế, quản trị và vận hành DC: Accredited Operations Specialists (AOS), Accredited Tier Designer (ATS), Certified Data Centre Professional (CDCP), chứng chỉ đánh giá rủi ro Certified Data Centre Risk Professional (CDRP). Đặc biệt, đội ngũ chuyên gia của CMC Telecom có 2 nhân sự cấp cao trong 10 người Việt Nam duy nhất có chứng chỉ cao nhất thế giới về Data Center – Certified Data Centre Expert (CDCE).
“Chấm điểm” hoàn thiện dự án 60 tủ rack
Là nhà cung cấp dịch vụ hội tụ (CSP – Converged Service Provider), CMC Telecom đã cung cấp cho Sacombank trọn gói giải pháp tư vấn và triển khai tổng thể dự án DC với quy mô 60 tủ rack. Đội ngũ chuyên gia của CMC Telecom đã triển khai hạ tầng DC cho Sacombank theo tiêu chuẩn Uptime Tier III. Đặc biệt hệ thống cáp nội bộ – xương sống của hạ tầng mạng trung tâm dữ liệu đã được CMC Telecom thiết kế và lắp đặt với băng thông truyền tải dữ liệu nội bộ lên tới 100Gbps.
Kết nối ngoại vi giữa DC (Bình Dương), DC (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và DC mới Tân Thuận của Sacombank cũng được kết nối trực tiếp với nhau bằng dịch vụ kênh truyền Point to Point theo 2 hướng cáp độc lập. Sử dụng công nghệ truyền dẫn DWDM với băng thông lên tới 400Gbps, kênh truyền này có thể đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu ngày càng lớn trong quá chuyển đổi số của Sacombank ở hiện tại và sẵn sàng cho việc mở rộng trong tương lai.
Sau 10 tuần triển khai, trong buổi nghiệm thu, ông Huy chia sẻ: “Chúng tôi thực sự hài lòng khi thấy sự chuẩn bị, chủ động cam kết của CMC Telecom khi triển khai dự án và nghiệm thu giai đoạn 1 lần này. Về kĩ thuật, CMC Telecom đã đáp ứng tốt tiêu chí kỹ thuật đề ra, các con số về vật tư dự án cũng bám sát với kế hoạch chi tiết. Điều này cho thấy sự tin tưởng của chúng tôi vào năng lực hạ tầng, công nghệ, tư duy dịch vụ, đặc biệt là đội ngũ của CMC Telecom là hoàn toàn đúng. Với hạ tầng mới trong DC Tân Thuận, Sacombank hoàn toàn yên tâm cung cấp thêm các dịch vụ số hiện đại, thông minh hơn cho khách hàng trong thời gian tới”.
Bà Trịnh Thị Tâm Như, Phó Giám đốc Kinh doanh khối Tài chính – Ngân hàng CMC Telecom chia sẻ: “Sacombank là một khách hàng có đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin mạnh, chuyên môn rất cao và có định hướng chuyển đổi số rất rõ ràng. Với kinh nghiệm 15 năm phục vụ cho phân khúc khách hàng Tài chính, Ngân hàng, CMC Telecom tin tưởng sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tiếp tục thành công, đồng hành hỗ trợ Sacombank làm chủ công nghệ trong chiến lược chuyển đổi số để mang lại trải nghiệm dịch vụ vượt trội cho khách hàng.”