Ngày 09/6, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác báo chí, với chuyên đề “Chuyển đổi số báo chí trong tình hình mới” cho hơn 100 phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Chiến lược chuyển đổi số trong báo chí; Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi báo chí…, ông Lê Xuân Trung, Phó tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, cho biết trong thời đại số hiện nay, điều quan trọng nhất cần xác định là bạn đọc ở đâu, thì báo chí ở đó. Và xu hướng đọc báo của bạn đọc hiện nay đã chuyển từ báo in qua các thiết bị thông minh nên đòi hỏi báo chí phải thực hiện chuyển đổi số. Khi công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển, chuyển đổi số là chuyện đương nhiên của bất kỳ cơ quan báo chí nào muốn có bạn đọc mới, muốn có nguồn thu mới. Vì vậy, nhiều cơ quan báo chí đã tự đầu tư chuyển đổi số tùy theo nhu cầu phát triển của mình.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, các cơ quan báo chí cần vượt qua 3 thách thức lớn: Chọn lựa công nghệ phù hợp, chi phí đầu tư hợp lý, đội ngũ nhân lực có kỹ năng số. Trong đó, thách thức về công nghệ là điều được quan tâm hơn hết khi muốn chuyển đổi số.
Các cơ quan báo chí cần có lộ trình phát triển nếu quyết tâm đầu tư cho báo điện tử và các sản phẩm báo chí trên các nền tảng số theo nhiều phương án khác nhau hoặc thuê công ty công nghệ thực hiện việc chuyển đổi số trọn gói, cơ quan báo chí chỉ vận hành. Khi điều chỉnh, bổ sung hay thay đổi thì đặt hàng công ty công nghệ giải quyết…
Bên cạnh đó, còn một phương án nữa là tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới, chỉ thuê ngoài những việc cần thiết để bảo đảm hiệu quả quản lý cũng như vốn đầu tư.
Về tổ chức tòa soạn hội tụ, để bảo đảm tính thừa kế và phát huy, theo ông Trung, cần phải xác định, giảm số lượng nhân sự làm báo in, tăng nhân sự và đầu tư thỏa đáng phát triển báo điện tử là chiến lược chủ lực, đặc biệt quan tâm việc phát triển các loại hình sản phẩm như video, podcast, phát thanh…
Lợi thế của báo điện tử là xuyên biên giới và vẫn còn nhiều cơ hội và điều kiện phát triển, vì vậy các cơ quan báo chí nên bố trí nguồn lực hợp lý để vừa đảm bảo thông tin tuyên truyền, vừa sử dụng lực lượng sẵn có để khai thác chuyên sâu các đề tài kinh tế, chính trị, xã hội trên phiên bản điện tử.
Về Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, ông Trung cho biết Bộ Chỉ số là căn cứ để đánh giá các cơ quan báo chí đang chuyển đổi số ở mức độ nào, giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, để từ đó có kế hoạch, giải pháp thực hiện chuyển đổi số phù hợp, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Quyết định số 951/QĐ-BTTTT về ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.