Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo quốc gia với chủ đề “Xây dựng trụ cột cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, các ý kiến đều cho rằng đổi mới sáng tạo thông qua khoa học công nghệ sẽ là chìa khoá giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG DOANH NGHIỆP THẤP
Tuy nhiên, phân tích của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa chưa đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít sử dụng và cải tiến công nghệ, đổi mới.
Dẫn chứng khảo sát của WB, TS Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp về khu vực tư của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng việc ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực chế tạo, dịch vụ ở Việt Nam còn khá thấp.
Thước đo trình độ công nghệ từ mức 1-5 thì chúng ta mới dừng ở mức 2,5, còn các nước tiên tiến như Hàn Quốc ở mức trung bình 4, ở nhiều lĩnh vực khác công nghệ của họ ở mức hiện đại nhất thế giới. Hơn nữa đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển) của Việt Nam cũng chưa cao, chiếm 0,6 % GDP, trong khi Hàn Quốc chiếm 1,8% GDP.
TS. Đặng Quang Vinh, Chuyên gia khu vực tư của WB đưa ra báo cáo đổi mới sáng tạo Việt Nam trong bức tranh toàn cầu.
Sáng chế của Việt Nam đang ở mức trung bình so với các nước có cùng thu nhập. Đáng quan ngại, bằng sáng chế hiện nay phần lớn do tổ chức nước ngoài đăng ký sở hữu, còn trong nước chưa nhiều.
Về số lượng nghiên cứu đổi mới công nghệ, đại diện WB cho rằng phát minh sáng chế của chúng ta còn ít hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.
Việc ứng dụng, đánh giá chứng nhận quốc tế về chất lượng, quy trình, mua bản quyền của doanh nghiệp trong nước cũng thấp hơn trung bình các nước trong khu vực.
Khảo sát gần đây của WB cho thấy, các doanh nghiệp starup Việt Nam đa số ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số vì nó đòi hỏi ít về nghiên cứu sâu, nghiên cứu cơ bản. Còn với chế tạo, đòi hỏi nghiên cứu sâu, chi phí nghiên cứu lớn, làm thử tốn kém nên chưa có nhiều.
THƯƠNG MẠI HOÁ SẢN PHẨM NGHIÊN CỨU CHƯA NHIỀU
Nguyên nhân những yếu kém trên, theo TS Đặng Quang Vinh, hiện nay khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức, như: tài chính, quy định kinh doanh, kỹ năng người lao động, kỹ năng quản lý.
Mặc dù, nguồn lao động của Việt Nam khá dồi dào, song lại thiếu chuyên môn sâu, thiếu trình độ công nghệ cao và các kỹ năng cần thiết. Trong khi đó, yếu tố con người là một trong những điều kiện bắt buộc khi thực hiện đổi mới sáng tạo.
Trình độ quản trị của chúng ta thấp hơn so với các nước khác. Kỹ năng lao động ở hầu hết các doanh nghiệp đều ở trình độ công nghệ thấp, các kỹ năng cần thiết còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, không phù hợp với vị trí việc làm.
Đặc biệt, sự tham gia của các trường đại học, cơ sở nghiên cứu vào hoạt động thúc đẩy kinh doanh dựa trên đổi mới sáng tạo còn hạn chế. PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thừa nhận, thực tiễn cho thấy các cơ sở giáo dục đại học nói chung vẫn còn khoảng cách giữa nguồn nhân lực đào tạo và thị trường.
Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp còn chưa mạnh, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở giáo dục đại học cũng như nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa, hoặc thiếu các nghiên cứu ứng dụng, điều này làm hạn chế tiến bộ công nghệ đóng góp vào tăng trưởng năng suất.
Trong số 200 doanh nghiệp startup được WB khảo sát, chỉ 12% doanh nghiệp cho rằng ý tưởng phát triển dịch vụ bắt nguồn từ trong các trường đại học và cơ sở nghiên cứu. “Như vậy, họ chưa nhìn nhận các trường đại học, cơ sở nghiên cứu là nguồn ý tưởng cho đổi mới sáng tạo đưa vào kinh doanh”, ông Vinh nhấn mạnh.
Chỉ 12% doanh nghiệp startup cho rằng ý tưởng phát triển dịch vụ bắt nguồn từ trong các trường đại học.
Thực tiễn, các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát sinh từ trong trường ra vẫn còn dè dặt. Có nhiều lý do của sự ít ỏi này, đó là do ngân sách hạn hẹp, không có tiềm lực để đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, nghiên cứu của các viện, các trường chưa thực tế, chỉ là mong muốn nhu cầu tự thân của người nghiên cứu chứ chưa giải quyết bài toán của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này tương đối phức tạp dù gần đây Luật sở hữu trí tuệ có sửa đổi, nhưng câu chuyện sử dụng những tài sản hữu hình và vô hình từ việc đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu như thế nào vẫn là bài toán phức tạp.
Mặt khác, nguồn lực cho hoạt động thương mại hoá chưa có, nên việc đưa công trình từ nghiên cứu ra kinh doanh hạn chế. Chưa thực sự có những cơ chế để khuyến khích thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học… điều này gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Vấn đề tiếp cận tài chính, vốn mạo hiểm cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt khi giai đoạn đầu họ làm thử các sản phẩm… rất khó tiếp cận vốn.
Hơn nữa, hệ thống các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập về số lượng cũng như chất lượng. Các chính sách hỗ trợ rời rạc, các quy định rườm rà về sở hữu trí tuệ và tài sản được tài trợ công khai.
Đại diện WB cho rằng Luật sở hữu trí tuệ đã giao cho các trường, viện quyền đăng ký sáng chế nhưng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn.
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÊN CÓ TƯ DUY THƯƠNG MẠI
Do đó, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đại diện WB khuyến nghị, Việt Nam nên có chính sách phù hợp với mức độ phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của đất nước mình. Nếu yếu cần tập trung vào năng lực sản xuất, tiếp đến là năng lực ứng dụng công nghệ mới và phát huy nâng cao những sáng chế, cũng như tạo ra sáng chế mới.
Tập thể nữ Bộ môn Công nghệ Môi trường (Khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị.
Chúng ta cần điều chỉnh chính sách cho hiệu quả nhất, đáp ứng lợi ích tốt nhất. Thực tiễn cho thấy có rất nhiều công nghệ chưa sử dụng dù không khó khăn giống như đồng tiền rơi trên vỉa hè mà không ai nhặt.
Vì thế, cần điều chỉnh lại định hướng chính sách từ nghiên cứu cơ bản chuyển dịch bớt sang nghiên cứu ứng dụng. Có những ứng dụng công nghệ trong dịch vụ hiện đang có nhiều rào cản đòi hỏi cần có chính sách tạo điều kiện phát triển công nghệ dịch vụ.
Bên cạnh đó là những yếu tố bổ trợ như quản trị, kỹ năng người lao động, tài chính cho đổi mới sáng tạo. “Vấn đề tài chính là vô cùng quan trọng, vì một hành vi ứng dụng công nghệ chính là một hành vi đầu tư, do đó cần vốn, thể chế cũng như môi trường kinh doanh”, ông Vinh cho hay.
Ngoài ra, Việt Nam cần cải cách tổ chức đổi mới sáng tạo. Hiện chúng ta có một hệ thống các trường, viện cơ bản là khu vực công. Chưa có báo cáo nào về hiệu quả của các trường, viện trong ứng dụng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhưng ông Vinh mong muốn các trường đại học trở thành doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nghiệp.
Các trường đại học nên có tư duy thương mại nhiều hơn nữa để trở thành nhà cung cấp dịch vụ trọn gói cho doanh nghiệp, không chỉ về công nghệ mà còn cả tài chính, thị trường.
WB cũng đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật để các trường đại học có cơ chế đặc thù trở thành đại học vừa mạnh về giáo dục lại mạnh về kinh doanh đổi mới sáng tạo. Có cơ chế rõ ràng khuyến khích nghiên cứu, khuyến khích chuyển giao công nghệ vào doanh nghiệp.
Riêng với Đại học Quốc gia, ông Vinh cho rằng ngoài vai trò tư vấn, Đại học Quốc gia có thể trở thành nhà đầu tư, nhà kinh doanh trực tiếp – hợp tác giữa khu vực tư nhân với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước có quỹ đổi mới công nghệ lớn nhưng không biết chi vào đâu, nên có thể hợp tác để sử dụng với tinh thần hai bên cùng thắng.