Xin chúc mừng Chủ tịch và Đà Nẵng với Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với quy hoạch quan trọng này, những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng là gì, thưa Chủ tịch?
Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội để Đà Nẵng bứt phá hơn nhờ vào lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế – chính trị, liên kết vùng. Việc phát triển và hợp tác Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông dựa trên Hành lang kinh tế Ðông – Tây và Hành lang kinh tế Đông – Tây 2 được kết nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Lào, Thái Lan, Myanmar là một dư địa phát triển vô cùng lớn cho Thành phố Đà Nẵng và vùng miền Trung, Tây Nguyên.
Khi hệ thống giao thông đường bộ kết nối nội vùng, liên vùng và các điều kiện thông quan từ cả phía Lào với Thái Lan và xa hơn là Myanmar thì Đà Nẵng sẽ thu hút được lượng lớn du khách cho thành phố và các địa phương lân cận, đồng thời thúc đẩy giao lưu hàng hóa của các thị trường này với các thị trường khu vực Đông Bắc Á. Cảng Đà Nẵng (gồm cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu) sẽ trở thành cửa biển chính hướng ra Thái Bình Dương của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Trong tương lai, Myanmar xây dựng cảng ở bờ Đông Ấn Độ Dương được kết nối thuận lợi bằng đường bộ và đường sắt với cảng Đà Nẵng, thì tuyến hành lang kinh tế này sẽ phục vụ cho giao lưu thương mại giữa hai vùng kinh tế quan trọng: vùng Đông Bắc Á và các nước Nam Á.
Đà Nẵng cũng là trung điểm của các giao tuyến kinh tế chính trong “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” của Mỹ và một số quốc gia, cũng mở ra cơ hội cho Đà Nẵng trở thành một phần không thể thiếu trong mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Từ tác động tích cực xu thế hợp tác, liên kết vùng ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hiệu ứng từ sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh của các vùng lân cận, tạo điều kiện cho Đà Nẵng trong việc mở rộng không gian kinh tế vượt khỏi không gian hành chính chật hẹp của thành phố chỉ với hơn 1.283 km2.
Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Huế – Đà Nẵng – Chu Lai, Kỳ Hà (Quảng Nam) – Dung Quất, Vạn Tường (Quảng Ngãi) – Quy Nhơn (Bình Định); hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế) – Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An – Nam Hội An.
Liên kết trong quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị, tạo không gian đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo nên sự liên kết mang tính hệ thống giữa Đà Nẵng và các địa phương, là động lực để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Khu vực này có thể đóng vai trò là thị trường và khu vực tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ của Đà Nẵng; là đối tác chính cho thương mại và hợp tác giữa Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam với khu vực Đông Dương rộng lớn, một thị trường có quy mô khá lớn trong khu vực.
Thương mại dịch vụ của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong giai đoạn năm 2030-2050. Xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, dòng chảy thương mại và dòng vốn đầu tư gia tăng mạnh mẽ là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội cho Đà Nẵng phát triển sản xuất lĩnh vực dịch vụ logistics và vận tải biển để trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng, logistics mới trong khu vực.
Với lợi thế về vị trí địa lý, có hai cảng biển và một âu thuyền dịch vụ nghề cá lớn nhất miền Trung, có lực lượng lao động chất lượng cao, Đà Nẵng cũng có nhiều cơ hội để phát triển mạnh kinh tế biển và vùng ven biển, đẩy mạnh hướng biển, cùng với khai thác những tiềm năng, thế mạnh để phát triển.
Sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ, kinh tế chia sẻ, kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) sẽ tạo ra những đột phá hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế Đà Nẵng. Công nghiệp 4.0 và xu hướng hội nhập là cơ hội để Đà Nẵng thể hiện tính năng động và sáng tạo nhằm đưa thành phố trở thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư.
Đà Nẵng với điều kiện hiện hữu là một trung tâm giáo dục – đào tạo, khoa học, công nghệ và y tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với các cơ sở đã được hình thành và phát triển qua hàng thập kỷ, là một trong những địa phương tập trung đội ngũ tri thức đông đảo nhất của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là lợi thế để Đà Nẵng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng đất đai và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, tạo ra những sản phẩm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có giá trị gia tăng cao phục vụ cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong giai đoạn tới.
Vậy, đâu là khâu đột phá mang tính tiên quyết để khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm triển khai hiệu quả Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa Chủ tịch?
Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.
Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước; tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục – đào tạo chất lượng cao…
Quyết định phê duyệt Quy hoạch cũng chỉ rõ các khâu đột phá phát triển, gồm: xác định đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát huy vai trò của các thành phần kinh tế gồm: kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị; phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố văn hóa, con người làm nền tảng cho phát triển bền vững.
Về tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý để xây dựng các cơ chế, chính sách, triển khai các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, mở ra những cơ hội và không gian phát triển mới, giá trị mới cho Thành phố Đà Nẵng. Vậy, đến nay việc triển khai các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu của Đà Nẵng đã được thực hiện đến đâu thưa Chủ tịch?
Đà Nẵng có diện tích đất hạn chế, tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ nhập cư tăng cao, do vậy phải đối mặt với thách thức trong việc xác định phát triển trong tương lai để từ đó tối đa hóa mật độ một cách phù hợp với tăng trưởng dân số nhằm giảm sức ép về cơ sở hạ tầng, năng lượng, y tế, giáo dục, việc làm…
Theo quy hoạch, định hướng phát triển không gian đô thị Thành phố Đà Nẵng được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu. Điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (quận Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực. Phát triển toàn thành phố trở thành một điểm du lịch lớn mang tầm quốc tế.
Thời kỳ 2021-2030, hệ thống đô thị Đà Nẵng bao gồm khu vực đô thị trung tâm (6 quận hiện hữu) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp. Xây dựng huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất. Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù ở hải đảo.
Định hướng phát triển khu vực trung tâm-khu đô thị hiện hữu gồm 6 quận nội đô (Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp; định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng… Khu vực phát triển đô thị mới sẽ phát triển về phía Tây, Tây Bắc thành phố.
Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phân bố hệ thống điểm dân cư khu vực nông thôn của Đà Nẵng tập trung tại huyện Hoà Vang. Phương án phát triển các khu chức năng của các khu công nghiệp gồm: khu công nghệ cao; các khu công nghệ thông tin tập trung; các cụm công nghiệp, làng nghề hiện hữu; các cụm công nghiệp thành lập mới.
Trong đó, đáng chú ý là sẽ chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố; điều chỉnh, mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng đảm bảo các điều kiện theo quy định, trở thành khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế; kết nối khu công nghệ cao và các khu, cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với khu công nghệ cao; chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Đối với các khu du lịch được phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với đặc thù từng không gian du lịch. Trong đó, định hướng phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (bao gồm loại hình tàu thủy lưu trú du lịch), với thiết kế sáng tạo, độc đáo, khác biệt, thân thiện môi trường…
Các khu nghiên cứu, đào tạo được định hướng tổ chức sắp xếp không gian phát triển ngành giáo dục; mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam Đà Nẵng tạo thành Khu đô thị đại học mới tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) trở thành một trong 3 trung tâm đào tạo đại học trọng điểm quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Cùng với đó là hình thành các cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành cho Phân khu công nghệ cao để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động chuyên dụng phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, du lịch, cảng biển, logistics, các dịch vụ chất lượng cao như: công nghệ vi điện tử, công nghệ nano, bán dẫn, vi mạch, ứng dụng FPGA, trí tuệ nhân tạo, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục…
Trong phương án phát triển các khu chức năng, các khu vực có vai trò động lực bao gồm 6 khu vực:
Khu vực động lực số 1: Đô thị lõi gồm Khu trung tâm đô thị lịch sử thuộc quận Hải Châu (CBD1 và khu vực nội đô thuộc quận Sơn Trà, phía Đông cầu sông Hàn (CBD2), khuyến khích phát triển hình thức sử dụng đất hỗn hợp, đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ nhằm tạo môi trường phù hợp cho cả sinh sống, làm việc và sẽ trở thành trung tâm thương mại sầm uất.
Khu vực động lực số 2: Khu vực nội đô thuộc quận Thanh Khê và Liên Chiểu dọc theo vịnh Đà Nẵng, tập trung phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển ven Vịnh Đà Nẵng.
Khu vực động lực số 3: Khu đô thị sáng tạo ở khu vực phía Nam, gồm một phần quận Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Quý) và quận Cẩm Lệ, tập trung phát triển các dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục – thể thao chất lượng cao.
Khu vực động lực số 4: Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang, tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, kết nối tỉnh Quảng Nam và Tây Nguyên với Đà Nẵng, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản.
Khu vực động lực số 5: Tổ hợp đô thị – công nghiệp công nghệ cao, định hướng giai đoạn đầu năm 2030 sẽ hình thành cụm liên hợp gồm: Trung tâm hội chợ triển lãm miền Trung, thương mại (outlet) gắn với du lịch; Trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng.
Khu vực động lực số 6: Tổ hợp đô thị cảng biển Liên Chiểu, trung tâm dịch vụ logistics.
Những năm qua, Thành phố Đà Nẵng rất quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án có tính động lực, trọng điểm. Xin Chủ tịch cho biết đến nay, các dự án được cho là động lực này đã tạo được sự lan tỏa, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố như thế nào?
Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố, Đà Nẵng có một số công trình động lực, trọng điểm đã và đang triển khai, đó là:
Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1) – phần cơ sở hạ tầng dùng chung, đã được khởi công vào ngày 14/12/2022 và đang triển khai theo đúng tiến độ đề ra.
Tiếp đến là Dự án di dời Ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị. Đây là dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội và an ninh – quốc phòng của thành phố. Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án di dời Ga đường sắt và tái phát triển đô thị làm cơ sở để làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp.
Đối với dự án đầu tư nhà ga mới Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, thành phố đã có Công văn số 2925/UBND-SGTVT đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí nguồn lực để sớm triển khai các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ ACV, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong quá trình thực hiện các công việc tiếp theo.
Dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (giai đoạn 2): đây là một trong những dự án giao thông quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung. Ngày 25/11/2023 vừa qua, thành phố đã tổ chức khởi công công trình này.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần hoàn thiện không chỉ quy hoạch giao thông của địa phương mà còn đóng góp vào quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, hình thành nên tuyến trục ngang kết nối các trục giao thông phía Tây là đường Hồ Chí Minh với các trục cao tốc Bắc Nam và Quốc lộ 1 phía Đông; kết nối với hành lang Kinh tế Đông Tây 2, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương dọc tuyến đường.
Dự án xây dựng Khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Đây là dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Dự án được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đúng quy hoạch chung; tuy nhiên, dự án đã kéo dài quá lâu (23 năm), gây lãng phí nguồn lực đất đai và ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân tại khu vực.
Theo đề xuất của Thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan hỗ trợ Đại học Đà Nẵng hoàn thiện các thủ tục liên quan trong triển khai dự án.
Ngoài ra, Đà Nẵng đã và đang phối hợp với tỉnh Quảng Nam triển khai Dự án khơi thông sông Cổ Cò với tổng chiều dài 28 km (đoạn qua Quảng Nam dài 19,7 km, đoạn qua Đà Nẵng dài 8,3 km), hiện đã và đang triển khai các nội dung công việc liên quan và đã thống nhất chủ trương hoàn thành dự án trước tháng 3/2025 nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng.
Những dự án, công trình động lực, trọng điểm nêu trên đã và đang được thành phố và các sở, ngành của Đà Nẵng phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương tích cực triển khai. Khi hoàn thành đi vào hoạt động, những dự án này không chỉ là động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Đà Nẵng mà còn là động lực của cả vùng miền Trung – Tây Nguyên.
VnEconomy 12/02/2024 09:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam