Thứ bảy, Tháng mười 5Phải thành công nhé các anh em

Đặt cược vào AI, chip bán dẫn và phần mềm

FPT là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các lãnh đạo đơn vị trong Bộ Thông tin và Truyền thông thăm trong năm mới 2024.

Đây là thông điệp mà Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Nhà nước gửi tới các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam về sự đánh giá, coi trọng các doanh nghiệp công nghệ số và coi đây là nhân tố chính để Việt Nam hóa rồng, hóa hổ vào giữa thế kỷ này.

Thông tin tới Bộ trưởng và đoàn làm việc, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết năm 2023, FPT đạt doanh thu 52.618 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6%; Lợi nhuận 9.203 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ nước ngoài của FPT lần đầu đạt 1 tỷ USD, và đã mở rộng hiện diện ở 30 quốc gia.

Về định hướng 2024, FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng 17,5%, lợi nhuận trước thuế 18,2%. 

Ông Trương Gia Bình: doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ nước ngoài của FPT lần đầu đạt 1 tỷ USD.

Theo ông Trương Gia Bình, AI, bán dẫn và công nghệ ô tô là ba hướng đi khối công nghệ FPT sẽ tập trung. Ở cả ba hướng đi này, FPT có nền tảng tích lũy qua nhiều năm. Mới đây, FPT có thêm hơn 170 chứng chỉ AI do NIVIDIA cấp và sẽ phấn đấu đạt con số hàng vạn chứng chỉ trong tương lai.

Ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT Semiconductor là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa, có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…và hợp tác với nhiều tổ chức, công ty tại Nhật Bản, Mỹ.

Ngoài ra, tập đoàn có đội ngũ 4.000 chuyên gia trong mảng công nghệ phần mềm ô tô và nhiều đối tác, khách hàng là các hãng tên tuổi lớn toàn cầu, thành lập công ty FPT Automotive.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả FPT đã đạt được trong năm 2023, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông khằng định: Việt Nam có trên 40.000 Doanh nghiệp công nghệ số, phần lớn là quy mô nhỏ. Thành công của FPT sẽ truyền cảm hứng cho doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt khi đi ra nước ngoài.

Với cột mốc doanh thu từ thị trường nước ngoài FPT đạt 1 tỷ USD (chiếm hơn 77% so với doanh thu khối công nghệ), Bộ trưởng cho đây là bước tiến bứt phá đưa FPT vào thứ hạng khác, đẳng cấp khác trên toàn cầu.

Ngành Thông tin và Truyền thông có 1.500 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài và đạt trên 7,5 tỷ USD. Vì vậy, FPT hãy trở thành niềm tự hào Việt Nam, trở thành doanh nghiệp công nghệ toàn cầu khi thị trường trong nước chỉ còn 30%. FPT đã đi qua giai đoạn khởi nghiệp, thành công, lên đỉnh, đã chững lại rồi bước vào chu trình phát triển mới.

“Có thể nói, công nghệ số, chuyển đổi số, AI và sự kiên định với sức mạnh ban đầu đã giúp FPT tái sinh thành công. Sự đặt cược của FPT vào AI, chip bán dẫn và công nghệ phần mềm ô tô, đặc biệt AI là chiến lược rất đúng đắn”, Bộ trưởng nói.

Trong tương lai, Bộ trưởng cũng lưu ý FPT đưa công nghệ vào đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, cũng như xây dựng hạ tầng số, góp phần phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là 2 chuyển đổi quan trọng nhất của thế kỷ này hay ít nhất là nửa đầu thế kỷ. Hai chuyển đổi này sẽ thay đổi cuộc sống của nhân loại, của trái đất.

Bên cạnh đó, AI- công nghệ chính và quan trọng nhất của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. AI phải được cung cấp, phổ cập như dịch vụ và trách nhiệm thuộc về các công ty công nghệ số như FPT.

Cũng theo Bộ trưởng, hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng phải ưu tiên đầu tư, đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi xanh.

Liên quan đến công nghiệp bán dẫn, năm 2024 là sẽ năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm nữa.

Lợi thế lớn nhất của người Việt Nam là có gen, năng khiếu STEAM (Toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học), là yêu cầu căn bản của bán dẫn. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra lợi thế khác; từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Nếu nói thị trường chip bán dẫn chỉ có 60 tỷ USD/năm. Ngành công nghiệp bán dẫn chỉ có 600 tỷ USD mỗi năm. Nhưng ngành công nghiệp điện tử trên 3.000 USD/năm. Ngành công nghiệp chuyển đổi số lên tới 20.000 tỷ USD/năm, lớn hơn 600 lần thiết kế chip.

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà như là thiết kế thiết bị điện tử viên thông, tiêu dùng, công nghiệp và chuyển đổi sang thiết bị AI.

Theo Bộ trưởng, FPT muốn phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử phải có tầm nhìn lớn hơn và quyết tâm lớn hơn, nhìn vào không gian lớn hơn, khó hơn.

 

Chủ đề năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông là: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số- động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. FPT cần đi vào các lĩnh vực, phát triển ứng dụng số, phát triển kinh tế số cho các ngành, các lĩnh vực, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là cách tăng năng suất lao động cho Việt Nam. Tổ quốc đang gọi tên những doanh nghiệp có tinh thần quốc gia, dân tộc. Việt Nam hùng cường là nhờ tinh thần dấn thân của các doanh nghiệp.