Thứ Hai, Tháng Chín 9Phải thành công nhé các anh em

Đưa Đà Nẵng thành trung tâm vi mạch bán dẫn

Cuối năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2941/QĐ-UBND thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) với bộ máy tinh gọn. Vậy, để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cấp có thẩm quyền thành phố ban hành và tổ chức triển khai phát triển ngành kinh tế công nghiệp mới này, tiêu chuẩn đội ngũ nhân sự DSAC phải đảm bảo “đầu vào” như thế nào, thưa ông?

Để đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ, chức năng, phương pháp tiếp cận cốt lõi của Đà Nẵng trong ngắn hạn và trung hạn là dựa trên nguồn nhân lực, cần tập trung bảo đảm bảo “đầu vào”, gồm ba nội dung cụ thể sau.

Một là, nắm vững chuyên môn, kiến thức về ngành vi mạch bán dẫn. Đội ngũ nhân sự cần có kiến thức chuyên môn về xu hướng, công nghệ, nhân lực, thị trường và các vấn đề liên quan theo đề án vị trí việc làm thuộc một trong các nhóm ngành: khoa học máy tính, kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, toán và thống kê; quản trị dự án…; và các kiến thức về phương pháp nghiên cứu, cách thức sử dụng, phân tích dữ liệu và tiếp cận nhanh với công nghệ để tối ưu hóa quá trình xử lý tham mưu công việc.

Hai là, có kỹ năng mềm tốt. Các viên chức của DSAC cần có khả năng giao tiếp hiệu quả, đặc biệt là giao tiếp bằng tiếng Anh với các đối tác, các tổ chức quan trọng trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn của thành phố và trên thế giới. Ngoài ra, các viên chức cần nắm vững các kỹ năng tư vấn, phân tích và giải quyết vấn đề, có khả năng phân tích thị trường để dự đoán xu hướng và cơ hội.

Ba là, có tinh thần đổi mới sáng tạo. Đây là xu thế toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia cần định vị lại mình trong bối cảnh mới, khi lĩnh vực bán dẫn phát triển gắn với trí tuệ nhân tạo, nhiều mô hình mới được ra đời tạo ra sự phát triển mang tính đột phá.

Việc đảm bảo đội ngũ nhân sự của DSAC đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ giúp Trung tâm DSAC có thể tham mưu một cách khoa học, hiệu quả,… góp phần phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu.

Trong giai đoạn mới thành lập, cụ thể trong hai năm 2024 và 2025, DSAC sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính nào, thưa ông?

Trong hai năm 2024 và 2025, DSAC sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính sau.

Thứ nhất, hoàn thiện bộ máy nhân sự. Trung tâm DSAC được thành lập với bộ máy tinh gọn gồm Ban giám đốc và hai phòng chuyên môn (Phòng Hành chính – đào tạo và Phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế). Trung tâm đã hoàn thành kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2024 thuộc DSAC.

Ngoài ra, DSAC đang phối hợp với liên minh năm trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố để biệt phái nhân viên có chuyên môn đến công tác và làm việc tại DSAC, hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo.

Thứ hai, đẩy mạnh kết nối trong nước và xây dựng mạng lưới đối tác quốc tế. Cụ thể là tập hợp và thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ quan chính quyền trong nước; xây dựng mạng lưới đối tác quốc tế thông qua hợp tác và trao đổi kỹ thuật, công nghệ và tài chính; tổ chức các tọa đàm, hội thảo, hội nghị để tăng cường kết nối.

Thứ ba, đề xuất các cơ chế chính sách làm cơ sở để triển khai các chính sách thu hút đặc thù. Hiện nay, DSAC đã tham mưu nội dung đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù khi sơ kết Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội để làm cơ sở pháp lý xây dựng dự thảo Nghị quyết chính sách thu hút các trí thức Việt kiều, chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn về chuyển giao tri thức, công nghệ cho các bên liên quan của TP.Đà Nẵng và làm việc tại DSAC, cũng như các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn thành phố, như: chính sách miễn thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chính sách miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, visa, bảo hộ sở hữu trí tuệ; chính sách sử dụng tài sản công là kết cấu hạ thầng thông tin…

Thứ tư, tham mưu, tư vấn cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch TP.Đà Nẵng”. Ngày 26/4/2024, DSAC đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về đề án này.

Thứ năm, tham mưu chủ trương cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố. DSAC đã tham mưu các văn bản lấy ý kiến các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan để đầu tư các phòng lab và cơ sở hạ tầng tính toán phục vụ nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại Khu công viên phần mềm số 2, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo các khóa thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo ngắn hạn cho các sinh viên, người tốt nghiệp các chuyên ngành gần với thiết kế vi mạch theo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố đến năm 2030, cũng như mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội, tiềm năng của DSAC trong đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng? DSAC đặt mục tiêu đào tạo bao nhiêu nhân lực ngành bán dẫn trong vòng từ 3-5 năm tới?

Theo tôi, Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng để tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ mới toàn cầu, đặc biệt là cơ hội đào tạo nhân lực tham gia sâu hơn vào khâu thiết kế vi mạch với cộng đồng sẵn có trong và ngoài nước. Việt Nam đang có hơn 5.000 kỹ sư thiết kế chip bán dẫn làm việc tại Việt Nam và khoảng 2.000 kỹ sư cấp cao về bán dẫn và điện tử ở nước ngoài có thể thu hút về làm việc tại Việt Nam thông qua mạng lưới chuyên gia và chính sách đãi ngộ nhân tài.

Về mức độ chuyên môn hóa, Việt Nam có lực lượng kỹ sư có kinh nghiệm và kiến thức cạnh tranh hơn khi so sánh với các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Philippines.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia và doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới. Tình hình chính trị phức tạp với chiến tranh thương mại tập trung vào ngành chiến lược như vi mạch, tính chất phân mảnh và chuyên môn hóa cao của ngành và sự phức tạp kỹ thuật ngày càng cao của chuỗi cung ứng mở ra cơ hội cho các quốc gia và các nền kinh tế tham gia vào chuỗi cung ứng.

Đà Nẵng đang là ứng cử viên tiềm năng cho các quyết định phân bổ hỗ trợ tài chính của các quỹ tài trợ phát triển đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng vi mạch bán dẫn từ các cường quốc vi mạch bán dẫn, trong đó có Quỹ ITSI của Đạo luật CHIPS Act được Quốc hội Hoa Kỳ ban hành năm 2022; Quỹ tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) và các quỹ khác. Sự quan tâm của các quỹ tài chính này chính là cơ hội hiếm có để Đà Nẵng tiếp cận nguồn lực tài chính và kèm theo đó là hỗ trợ về chuyên môn, công nghệ để xây dựng đội ngũ nhân lực tài năng và hạ tầng công nghệ cao phục vụ phát triển vi mạch bán dẫn. 

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân TP.Đà Nẵng đang giao Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút chuyên gia, người dạy, người học, chính sách về sử dụng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi về thuế trong Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng do Quốc hội ban hành.

Đặc biệt, các đơn vị chuyên môn hiện đang xây dựng Đề án Phát triển chip vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố và dự thảo 2 nghị quyết đặc thù trình Hội đồng Nhân dân Thành phố phê duyệt (Dự thảo Nghị quyết chính sách thu hút các trí thức Việt kiều, chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn về chuyển giao tri thức, công nghệ cho các bên liên quan của TP.Đà Nẵng và làm việc tại DSAC cũng như các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn TP.Đà Nẵng; Dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ cho người tham gia đào tạo, cho người học ngành nghề chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn TP.Đà Nẵng).

Các cơ chế chính này khi được Chính phủ và Hội đồng Nhân dân Thành phố phê duyệt và ban hành sẽ có tác động tích cực đến phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thành phố cũng như thu hút các chuyên gia, sinh viên, doanh nghiệp lớn đến TP.Đà Nẵng, góp phần xây dựng thành phố trở thành trung tâm vi mạch tương lai.

Thành phố dự kiến xác định mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch đến năm 2030 là có ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Việc xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thành phố được xác định dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại TP.Đà Nẵng, đồng thời hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.

Với những cơ hội và tiềm năng của Việt Nam nói chung và TP.Đà Nẵng nói riêng, Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch TP.Đà Nẵng” đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm về thiết kế, đóng gói và kiểm thử vi mạch, bán dẫn của Việt Nam. Đề án dự kiến được ban hành vào giữa năm 2024, là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu. 

Hiện nhiều tỉnh thành của Việt Nam, cả Bắc, Trung và Nam đều có kế hoạch phát triển mạnh các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn, trong đó chắc chắn có các nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nhân lực bán dẫn. Theo ông, điều này có dẫn đến tình trạng là phong trào hay “trăm hoa đua nở” đối với ngành bán dẫn tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam không?

Tôi cho rằng ngành công nghệ thông tin nói chung và vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nói riêng là tương lai của nhân loại. Bối cảnh thế giới hiện nay là đang thiếu nguồn cung chip bán dẫn vì một số nguyên nhân như nguồn cung khan hiếm do một số nhà máy tạm thời đóng cửa vì đại dịch Covid-19 và thiên tai trong ba năm qua; do căng thẳng chính trị của một số nước lớn trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn,…

Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn đã được xác định là một trong 9 sản phẩm quốc gia và đặt mục tiêu cả nước đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm. Do đó, việc đầu tư phát triển và hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là đào tạo nguồn nhân lực, cần phải có kế hoạch triển khai cụ thể tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam là cần thiết và là đầu tư dài hạn, không phải là một phong trào, xu hướng ngắn hạn.

Qua đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, là một bộ phận quan trọng trong năm nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Đây là những lĩnh vực mới, phức tạp nhưng nếu thành phố quyết tâm đạt được thì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và thoát khỏi bẫy “thu nhập trung bình”.

Việc thành lập DSAC là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết tâm chính trị của TP.Đà Nẵng trong thực thi nhiệm vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đà Nẵng đã, đang triển khai nhiều hoạt động để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đây là điều kiện thuận lợi để DSAC thực hiện nhiệm vụ của mình. Vậy, DSAC đã nắm bắt cơ hội này trong thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo ra sao, thưa ông?

Từ tháng 10/2023 đến nay thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức hội thảo ngày 10/10/2024 về giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Đà Nẵng; tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan (TQ) trong tháng 11/2023 và tháng 2/2024, làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023 tại Hoa Kỳ, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam, Ủy ban Nhân dân TP.Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới với Tập đoàn Synopsys.

Ngay sau chuyến công tác tháng 11/2023, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo gấp rút thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (Trung tâm DSAC), trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông từ cuối tháng 12/2023 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/1/2024. Đây được đánh giá là trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo của cả nước.

Từ sau các chuyến công tác, đã có nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn đã đến khảo sát môi trường đầu tư tại TP.Đà Nẵng như: Synopsys, Intel, Qualcomm, Marvell và Nvidia… Các đối tác đều đánh giá khả quan tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của TP.Đà Nẵng. Đồng thời, thống nhất đề xuất hợp tác, hỗ trợ kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại TP.Đà Nẵng.

Ngày 23/3/2024 vừa qua, TP.Đà Nẵng đã triển khai thành công Lễ khởi động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố và tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn đào tạo vi mạch, bán dẫn gồm 25 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Đồng thời, các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ) để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Với những cơ hội và thế mạnh của TP.Đà Nẵng, cùng với sự quan tâm và chủ động của lãnh đạo thành phố, các hoạt động đào tạo, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố sẽ ngày được tăng cường và mang lại những lợi thế trong việc định vị thành phố thành trung tâm vi mạch bán dẫn khu vực.

VnEconomy 15/05/2024 15:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2024 phát hành ngày 13/05/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam